Pháp luật

Đòi ký giấy trả tiền mới cứu trẻ đuối nước: Có thể phạt tù tới 5 năm?

Thông tin ban đầu về việc hai ngư dân “mặc cả” trước khi vớt hai học sinh bị đuối nước tại Cần Thơ mới đây đã khiến nhiều người phẫn nộ. Nếu sự việc có thật họ có thể sẽ phải chịu mức án 5 năm tù giam?

Vào khoảng 9h ngày 31/3, một nhóm học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP. Cần Thơ) đã đi taxi đến khu vực bãi cát cồn Cái Khế vui chơi và rủ nhau xuống sông Hậu tắm. Sau đó bốn học sinh là Nguyễn Thanh Đô, Huỳnh Kim Ngân, Huỳnh Ngọc Như và Trần Khánh Linh bơi ra cách bờ khoảng 6-7m.

Hiện trường vụ đuối nước tại Cần Thơ: Ảnh: Cửu Long
 
Tuy nhiên ít phút sau thì các em này bị nước đẩy ra xa. Nghe tiếng kêu, một số người đã lao tới và cứu được hai học sinh là Đô và Ngân. Hai em Như và Linh cũng được các ngư dân đi trên ghe cào cá đưa vào bờ, tuy nhiên khi tới bệnh viện thì Như tử vong, trong khi Linh hôn mê sâu, đồng tử giãn…, tới chiều ngày 1/4 thì Linh tử vong.
 
Liên quan đến sự việc này, ngày 1/4 Báo điện tử Khám phá đưa tin: “dư luận rất bức xức trước thái độ, hành động của những người trên 2 ghe cào cá, dẫn đến việc cứu nạn em Như và em Linh chậm trễ. Khi nghe kêu cứu, ghe cào cá của 2 người dân tên H.C và C.V.Đ đến hỗ trợ. Tuy nhiên, 2 người này đòi gặp người có trách nhiệm ký giấy tờ thoả thuận trả tiền cho việc tham gia cứu vớt các học sinh đang gặp nạn dưới sông. Mãi sau, 2 người này mới lặn xuống sông mò tìm các nạn nhân”.
 
Để thấy rõ hơn trách nhiệm của các cá nhân trong trường hợp này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Công Út, đoàn luật sư TP.HCM.
 
Theo luật sư Phạm Công Út, nếu sự việc trên được chứng minh là có thật thì hành vi của hai ngư dân đã vi phạm vào điều 102 Bộ luật Hình sự (BLHS): "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".
 
Cũng theo vị luật sư thì hai ngư dân đó có thể, và chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b, khoản 2, điều 102 BLHS với mức án đến 05 năm tù: "Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp."
 
Luật sư Út giải thích cụ thể: “Nghề ngư phủ là nghề đặc thù trên sông nước, chỉ có những người hành nghề ấy mới có thể bơi lặn giỏi để hành nghề đánh bắt cá. Nên nếu họ có khả năng và điều kiện mà cố tình không cứu người chết đuối trên sông hoặc biển, hồ... thì có thể họ sẽ phải bị truy cứu theo tình tiết định khung hình phạt theo điểm b khoản 2 điều 102 BLHS”.
 
Cũng theo ông, trong trường hợp hai ngư dân đã “mặc cả” thì có thể coi hành vi đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai học sinh. Bởi vì chính vì họ đã "không hành động" khi chứng kiến cảnh người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nên dẫn đến hậu quả chết người.
 
"Không hành động" – được xem là mối liên hệ giữa hành vi và hậu quả với lỗi cố ý. Lỗi cố ý được khẳng định nếu có chứng cứ chứng minh là họ đã vòi tiền người có trách nhiệm” – luật sư Út nói.
Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo