Quốc tế

Đối mặt với nguy cơ phá sản dây chuyền

5 ngày sau khi Stockton, thành phố lớn nhất trong số các thành nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, Mammoth Lakes - thị trấn nhỏ với 8.200 dân tiếp tục trở thành nạn nhân tiếp theo của làn sóng phá sản các chính quyền địa phương đang diễn ra ồ ạt tại nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Quyết định trên đã đặt dấu chấm hết cho các vụ kiện với chủ nợ lớn nhất của Mammoth Lakes trong suốt 6 năm qua, đồng thời giúp thị trấn du lịch của bang California này trì hoãn việc phải trả 43 triệu USD - số tiền gấp tới 2,5 lần ngân sách chi tiêu hàng năm.

 

Trước đó, quyết định tương tự sau 3 tháng đàm phán thất bại với công đoàn lao động của Stockton cũng giúp thành phố này đình chỉ được khoản nợ hơn 20 triệu USD.

 

Tuy nhiên, theo Giáo sư luật Juliet Moringiello thuộc Đại học Widener, phá sản chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh ngân sách đang cạn tiền, nó chắc chắn không phải là cứu cánh cuối cùng của các thành phố vì các cuộc đàm phán tiếp theo với các chủ nợ sẽ căng thẳng và phức tạp hơn nhiều.

 

Điều đáng nói là nhiều thành phố khác của bang California nói riêng và nước Mỹ nói chung vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản cao.

 

Gần 3 năm qua, tình trạng vỡ bong bóng bất động sản, khủng hoảng tài chính, cải cách thuế làm cạn kiệt nguồn thu và chi phí trả lương hưu cao,… đã khiến chính quyền các thành phố này không thể cân bằng thu chi. Riêng Detroit – “thủ phủ ô tô” của nước Mỹ đã lâm vào cảnh nợ nần với số tiền hơn 10 tỷ USD.

 

Dù đã một lần tránh được việc phải chọn giải pháp “cùng đường” như Stockton và Mammoth Lakes, nhưng Detroit vẫn chưa thể thoát khỏi nguy cơ phá sản nếu không tìm cách thoát khỏi tình trạng này.

 

Theo các chuyên gia, những thành phố có nguy cơ cao phải cân đối được các thu thuế và chi phí dành cho lương hưu, phúc lợi y tế, vốn đã vượt quá nhiều lần ngân sách của chính quyền.

 

Chuyên gia tài chính tại Đại học Northwestern, ông Joshua Rauh cho biết, một số tiểu bang và chính quyền địa phương đã tự cứu lấy mình bằng cách cắt giảm trợ cấp lương hưu từ 3.000 tỷ xuống còn 1.300 tỷ USD. Năm 2011, thành phố Boston đã kiên trì theo đuổi các cuộc đàm phán kéo dài với công đoàn để cắt giảm cả phúc lợi cho người lao động ở hiện tại và những khoản lương hưu trong tương lai.

 

Tại San Diego và San Jose, trong tháng này, các cử tri sẽ đi bỏ phiếu để thông qua thỏa thuận cắt giảm lương hưu trong khu vực công nhằm cải thiện tình hình tài chính của các thành phố.

 

Trong 42 năm qua, có 71 thành phố ở Mỹ lâm vào cảnh vỡ nợ, nhưng chỉ tính riêng giai đoạn 2007 - 2011, đã có 41 thành phố xin phá sản. Các chuyên gia nhận định, sức ép từ các khoản nợ lương hưu, những khoản thuế bị đình trệ sẽ khiến số lượng các thành phố Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngày càng tăng.

 

 

 

Theo KTĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo