Đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn: Hai “thử thách lớn” cho học sinh
Trước băn khoăn của không ít giáo viên, học sinh xung quanh đổi mới đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - đã đưa ra những định hướng cụ thể đối với phương án đổi mới, dự kiến sẽ áp dụng vào năm nay. Sẽ có hai "thử thách" thí sinh là đọc hiểu văn bản và năng lực viết, tạo lập văn bản.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, bài thi tốt nghiệp THPT, và tiến tới sẽ là bài thi đại học môn ngữ văn sẽ tập trung kiểm tra hai lĩnh vực căn bản của người thi là đọc hiểu văn bản và năng lực viết - tạo lập văn bản. Ở phần đọc hiểu, thay vì sử dụng các tác phẩm văn học đã học trong chương trình sách giáo khoa, đề thi sẽ mở rộng cơ sở dữ liệu nằm ngoài phạm vi sách, tuy nhiên không vượt quá nhận thức của học sinh phổ thông.
Ở phần kỹ năng viết, vẫn sẽ có hai câu hỏi, song có nhiều khả năng thay đổi linh hoạt để phù hợp hơn với thời gian thi như lập dàn ý cho bài viết, thay vì viết bài (đoạn) văn như phương pháp truyền thống, hoặc chỉ phát triển một luận điểm nhất định. "Điều này đòi hỏi thầy, cô giáo phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy, bớt tính chất "kiên cố" của khái niệm môn học sang phát triển có liên kết các lĩnh vực khác" - ông Thống cho biết.
Cũng theo phương án thi đổi mới trên, đề thi sẽ có tính gợi mở nhiều hơn, theo hướng giúp cho mỗi cá nhân học sinh thêm tự tin thể hiện một cách hiểu, sự suy nghĩ, vận dụng theo cách của riêng mình trước một vấn đề do thực tiễn cuộc sống hay tác phẩm văn học đặt ra.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, để làm được điều này, giáo viên cần khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc trong bài giảng. Cần tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học.
Theo Bộ GDĐT, việc đánh giá chất lượng học tập của học sinh trong môn ngữ văn theo hướng “phát triển năng lực” cần có những đổi mới mang tính đột phá, thực hiện đa dạng phương pháp đánh giá như quan sát, vấn đáp, kiểm tra trên giấy, trình bày báo cáo, dự án học tập... Bộ GDĐT vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến dư luận, chuyên gia, từ đó có quyết định cuối cùng cho việc: Sẽ triển khai phương án mới này vào kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay năm nay, hay chưa?
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo