Quốc tế

Đổi ngà voi lấy súng

Các nhóm vũ trang, binh lính thoái hóa trong quân đội các nước châu Phi và bọn tội phạm đang cùng nhau chia chác nguồn “vàng trắng” này để nuôi chiến tranh!

Vào đầu tháng 4/2012, một nhóm binh lính Uganda đã dùng trực thăng xâm nhập công viên quốc gia Garamba của Cộng hòa dân chủ Congo, bắn chết 22 con voi và cướp đi lượng ngà trị giá hơn 1 triệu USD. Ngay cả những con voi nhỏ cũng bị giết hại tàn nhẫn bằng những phát súng vào đầu.

 

Trước đó, chỉ trong vài tuần, bọn săn trộm đã thảm sát 350 trong tổng số 1.500 con voi ở công viên quốc gia Bouba Ndjida thuộc Cameroon.



Hàng loạt “cánh đồng chết” của voi đã xuất hiện mỗi ngày như thế. Châu Phi hiện vẫn còn khoảng 500.000 con voi, nhưng hàng chục ngàn con vơi đang bị giết hại mỗi năm. Năm 2011, hải quan các nước đã thu giữ hơn 38 tấn ngà voi trái phép. Một con số kỷ lục trong 20 năm qua, tương đương sinh mạng của hơn 4.000 con voi!



“Ngà voi máu”



Sau “kim cương máu” từ Sierra Leon và khoáng sản từ Congo, ngà voi đang trở thành nguồn khai thác cuối cùng để “nuôi” các cuộc chiến tranh ở châu Phi. “Ngà voi máu đang đổ dầu vào ngọn lửa chiến tranh khắp châu Phi - báo cáo của Thượng viện Mỹ được công bố hồi tháng 5/2012 khẳng định - Trong những năm gần đây, các băng đảng tội phạm có tổ chức, các nhóm vũ trang, thậm chí cả các phần tử khủng bố, đã nhúng tay vào hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp”.



Các nhóm vũ trang khét tiếng nhất châu Phi như Quân kháng chiến của Chúa (LRA) ở bắc Uganda và Nam Sudan, al-Shabab ở Somalia, Janjaweed ở Sudan... đều đang điên cuồng tắm máu voi rừng để lấy ngà bán và mua vũ khí. Ngay cả quân đội chính quy một số nước châu Phi, được Chính phủ Mỹ huấn luyện và tài trợ, như quân đội Uganda, Congo, Nam Sudan... cũng không bỏ qua nguồn thu ngoại tệ khổng lồ và đẫm máu này.


Mỗi ký ngà voi có giá lên tới 2.000 USD trên thị trường chợ đen. Một ngà voi thường nặng 10-60kg. Có nghĩa một con voi chết có thể đem lại 120.000 USD. Việc kiếm được số tiền này cũng khá dễ dàng, chỉ với một khẩu súng, một phát đạn và vài nhát cưa, nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn gấp bao lần so với việc cưỡng bức hàng trăm lao động đào mỏ kim cương!



Lượng ngà voi bất hợp pháp này chủ yếu - gần 70%, theo các nhà hoạt động và bảo vệ môi trường, được đổ vào thị trường Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế ở nước này đã tạo nên một tầng lớp nhà giàu mới rất ưa chuộng các sản phẩm làm từ ngà voi.

 

Trên Internet xuất hiện nhan nhản các trang mạng Trung Quốc chuyên buôn bán đũa, cốc, lược, đồ trang sức... làm từ ngà voi. Năm 2011, hơn 150 công dân Trung Quốc đã bị bắt giữ ở châu Phi vì tội vận chuyển ngà voi bất hợp pháp. “Người Trung Quốc đi đến đâu là voi chết tại đó - ông Julis Kipng’etich, một lãnh đạo của Cơ quan Động vật hoang dã Kenya, lên án - Và các cơ quan ngoại giao Trung Quốc luôn phớt lờ”.



“Trung Quốc là tâm chấn - ông Robert Hormats, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định - Nếu không có nhu cầu từ Trung Quốc, nạn săn bắn voi sẽ chấm dứt”. Tom Milliken, giám đốc Hệ thống thông tin thương mại về voi (ETIS), nhận định các mạng lưới săn bắt voi châu Phi hiện “đặt căn cứ ở châu Phi, do các tổ chức tội phạm châu Á điều khiển”.



Mua vũ khí Trung Quốc



Việc vận chuyển ngà voi từ châu Phi sang châu Á lại dễ dàng. Chẳng hạn, nhóm khủng bố al-Shabab kiểm soát thành phố cảng Kismayo ở Somalia, một trung tâm trung chuyển hàng hóa thương mại, vũ khí và thuốc phiện lớn.

 

LRA hoạt động công khai ở Omdurman, thành phố lớn nhất Sudan, nơi các tổ chức trung gian buôn bán, trao đổi ngà voi, vũ khí và đạn dược. Việc vận chuyển ngà voi qua Uganda, Kenya hay Congo cũng rất dễ dàng do hải quan các nước này có mức lương rất thấp và luôn sẵn sàng nhận hối lộ.



Bán ngà voi để mua gì? Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các tổ chức vũ trang châu Phi chi hàng chục triệu USD thu được từ buôn bán ngà voi để mua vũ khí, đạn dược phục vụ các cuộc xung đột. Nguồn cung cấp vũ khí, đạn dược này chủ yếu từ Trung Quốc.

 

Tháng 8/2012, Liên Hiệp Quốc đã công bố báo cáo điều tra cho thấy Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu súng máy và đạn dược hàng đầu tại khu vực châu Phi Hạ Sahara trong 10 năm qua, bất chấp các biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc.



Vũ khí giá rẻ của Trung Quốc xuất hiện đầy rẫy ở các điểm nóng bạo lực tại châu Phi như Sudan, Somalia, Congo, Bờ Biển Ngà... Khi bị Liên Hiệp Quốc sờ gáy, chính quyền Bắc Kinh phản ứng bằng cách dùng ảnh hưởng ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn không cho Liên Hiệp Quốc công bố các số liệu về xuất khẩu vũ khí này cũng như từ chối cho phép các nhân viên điều tra dò tìm nguồn gốc các loại vũ khí này.

 

Thậm chí Bắc Kinh còn ngăn cản Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm lại chuyên gia vũ khí Đức Holger Anders, người phát hiện nhiều loại vũ khí Trung Quốc ở vùng xung đột Darfur.


Và như thế, những con voi châu Phi tiếp tục chết thảm để Trung Quốc vừa thỏa mãn nhu cầu ngà voi, vừa thu ngoại tệ lớn từ bán vũ khí.

 

Theo Tuổi trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo