Đội ngũ soạn sách giáo khoa còn hạn chế
Tại hội thảo “Tiêu chí đánh giá và quy trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 2-12, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, ủy viên bộ phận thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông - cho rằng mỗi giáo viên (GV) phải thấy việc biên soạn sách tới đây như là một cuộc cách mạng, GV có điều kiện thay đổi môn học của mình.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống cho biết trong thực tế, rất nhiều GV vẫn thích cầm tay chỉ việc, tức là yêu cầu như thế nào thì dạy như thế ấy; trong khi với chủ trương một chương trình nhiều bộ sách thì trình độ GV rất cao. Ông Thống lấy ví dụ ở Phần Lan, GV mầm non, tiểu học đã là thạc sĩ và “thạc sĩ thật”, vì thế phải rất có trình độ mới dạy được theo chương trình mới. “Sẽ có nhiều đợt tập huấn, nâng cao năng lực cho GV và GV tự nâng cao năng lực, vượt qua chính mình” - ông nhấn mạnh.
Theo ông Thống, quan niệm giáo dục cơ bản 9 năm hiện chi phối rất lớn đến chương trình SGK. Bởi lẽ, với chương trình giáo dục cơ bản, sau 9 năm, học sinh (HS) có thể ra đời làm việc được; còn bậc THPT là dành để phân hóa, định hướng nghề nghiệp. Ở bậc học này, HS chỉ học ít môn, còn lại tự chọn 3 môn, trong đó có 2 môn hướng đến ngành nghề và 1 môn tự nhiên, xã hội hướng đến sự phát triển toàn diện.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng việc biên soạn SGK mới bao gồm những yêu cầu cơ bản, trong đó nội dung cốt lõi và then chốt là theo yêu cầu phát triển năng lực. Theo đó, chương trình không phải trang bị thật nhiều kiến thức mà là những năng lực HS cần có. Việc lựa chọn nội dung cũng không theo số lượng, không ôm đồm những kiến thức hàn lâm, uyên bác. Việc tổ chức các bài học trong sách không theo lối cung cấp sẵn những kết luận đã có mà thông qua các tình huống gần gũi để HS tự khám phá.
Thông tư quy định về tiêu chí đánh giá và quy trình xây dựng chương trình, SGK yêu cầu SGK trong nhà trường hiện đại vừa là nơi chứa đựng một khối lượng thông tin khoa học vừa là một kịch bản định hướng tổ chức các hoạt động dạy học. Vì thế, tác giả SGK phải là những người có năng lực thực sự. Việt Nam không có viện nghiên cứu biên soạn như các nước khác, phần lớn các tác giả tự rút kinh nghiệm do tham gia nhiều đợt soạn SGK, tuy rất uyên bác về chuyên môn nhưng hạn chế về tri thức giáo dục học.
Đồng bộ hóa nhiều tiêu chí
Theo các đại biểu, đối với một chương trình nhiều bộ sách thì việc kiểm tra, đánh giá HS cũng phải thay đổi cho đồng bộ.
GS-TS Vũ Văn Hùng (Nhà Xuất bản Giáo dục) và các cộng sự phân tích hiện nay, có 2 kiểu cơ bản đánh giá SGK: Đánh giá quá trình làm ra, sử dụng sách và đánh giá chất lượng sản phẩm SGK. Theo tiêu chí bộ SGK sau năm 2015 thì những tiêu chuẩn đánh giá thuộc vế thứ hai, tức là phải trên căn cứ như phát triển năng lực hành động, lấy HS làm trung tâm và phải có tính khoa học hiện đại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo