Pháp luật

Đòi nợ thuê hay giang hồ

Khi con nợ chây lì, chủ nợ không có thời gian đi đòi nợ... nên tìm đến các công ty thu hồi nợ đòi giúp. May mắn thì gặp công ty đàng hoàng, nhưng cũng có người gặp phải những công ty trời ơi, khiến chủ nợ lâm cảnh dở khóc

Công ty thu hồi nợ bội tín

 

Trong lúc đang khó khăn tiền bạc, anh Nguyễn Đức Đại (53 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) chạy khắp nơi vay vài trăm triệu đồng trả tiền hàng nhưng không tài nào kiếm được. Nhớ lại món nợ cũ của một doanh nghiệp ở Bình Dương còn hơn 300 triệu đồng đến nay chưa trả nên anh tìm đến Công ty thu hồi nợ D.A nằm trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình để nhờ đòi giúp.

 

Hợp đồng 2 bên ký kết, anh Đại đóng 3 triệu đồng tiền lệ phí cho Công ty D.A đi lại xác minh, đồng thời viết giấy ủy quyền cho công ty đi đòi nợ. Thế nhưng, sau nhiều tháng chờ đợi, anh Đại vẫn không thấy công ty thu hồi nợ trả lời, nên trở lại công ty để gặp nhân viên trực tiếp đi đòi nợ hỏi cho ra lẽ nhưng không gặp.

 

Liên lạc qua điện thoại, anh nhân viên này hẹn sẽ trả lời cho anh Đại sau, rồi sau đó là máy luôn nằm ngoài vùng phủ sóng. Anh Đại xin gặp lãnh đạo công ty hỏi rõ vụ việc và yêu cầu thanh lý hợp đồng, lấy lại giấy ủy quyền nhưng lãnh đạo công ty từ chối gặp mặt. Trong vòng 1 năm, anh Đại đã đến công ty cả chục lần, sau đó công ty mới chịu thanh lý hợp đồng. Dù nhận của anh Đại 3 triệu đồng gọi là "chi phí xác minh", nhưng anh chẳng nhận được thông tin gì từ phía công ty cung cấp.

 

Đó chỉ là một trong những trường hợp dở khóc mà khách hàng khi đến công ty thu hồi nợ “cầu cứu” thì gặp nạn. Lệ phí 3 triệu đồng do công ty thu hồi nợ thu của khách hàng để nhân viên đi xác minh thông tin về con nợ là rất mơ hồ. Việc công ty có đi xác minh hay không, khách hàng khó mà biết được.

 

“Theo nguyên tắc, khi tiếp nhận địa chỉ con nợ, công ty thu hồi nợ sẽ tiến hành xác minh và nếu khả thi thì mới ký hợp đồng với khách hàng, hoàn toàn không thu bất cứ lệ phí nào trong lúc đi xác minh. Thu hồi nợ được bao nhiêu tiền thì công ty ăn chia theo tỷ lệ mà trong hợp đồng đã ký kết, nếu không thu được tiền thì sẽ không thu phí của khách hàng” - lãnh đạo một công ty thu hồi nợ ở Q.Phú Nhuận cho biết thông lệ.

 

Thu hồi nợ kiêm “bảo kê”

 

“Tiền của bạn phải về túi bạn”

Khoảng 9 giờ 30 ngày 2.1.2012, chiếc ô tô dừng trước nhà số 671 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7, một số thanh niên nhảy xuống định vào nhà trên đòi nợ nhưng lúc đó cổng khóa. Nhóm người này gọi tên chủ nhà í ới để đòi trả nợ, nhưng không có ai ra mở cửa. Tức giận, họ đạp cửa, la lối khiến người dân gần đó và người đi đường hiếu kỳ tụ tập đến theo dõi gây ùn tắc giao thông. Trước thái độ ồn ào của nhóm này, người thân của con nợ đã gọi điện thoại báo Công an P.Tân Hưng đến can thiệp. Công an đã yêu cầu nhóm người này (tự xưng là người của Công ty đòi nợ Song Long đi đòi nợ - PV) xuất trình giấy tờ. Sau đó, công an đã cảnh cáo về vi phạm của họ đã không thực hiện đúng quy trình đòi nợ... Đáng chú ý, chiếc xe chở những người này dán logo: “Công ty đòi nợ Song Long” 2 bên hông xe; phía dưới logo in đậm hàng chữ: “Tiền của bạn sẽ về túi bạn” và in 2 số điện thoại hai bên hông xe để khách hàng có nhu cầu liên lạc.

 

Bà L. (giám đốc một công ty ở Q.1, TP.HCM) trong quá trình làm ăn đã nợ một đối tác gần 1,6 tỉ đồng nhưng không có khả năng chi trả. Chủ nợ của bà L. đã đến một công ty thu hồi nợ ở Q.1 ký hợp đồng nhờ đến công ty bà L. thu hồi số tiền trên.

 

 

Qua xác minh, công ty thu hồi nợ thấy bà L. chẳng còn tài sản gì. Xem ra việc đòi nợ khó khả thi, công ty thu hồi nợ bất ngờ quay sang yêu cầu bà L. đưa 70 triệu đồng để đổi lại sự “bình yên” cho bà L.

 

Không chỉ làm tiền cả 2 đầu, một số công ty thu hồi nợ còn nhận “bảo kê” cho con nợ khi bị chủ nợ “dí”.

 

Đầu năm 2011, một công ty thu hồi nợ ở Q.Phú Nhuận ký hợp đồng với khách hàng xuống gặp con nợ ở Q.Thủ Đức để đòi 200 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu, công ty này quyết định ký hợp đồng với khách hàng vì thấy con nợ có nhiều tài sản nhưng không chịu trả nợ. Thấy vậy, con nợ ở Q.Thủ Đức cũng thuê một công ty thu hồi nợ khác ở Q.1 để đối phó với chủ nợ.

 

Cứ mỗi lần người của công ty thu hồi nợ của chủ nợ đến là đều gặp sự cản trở của nhân viên mặc đồng phục thuộc một công ty thu hồi nợ khác ở Q.1. Táo tợn hơn, công ty thu hồi nợ ở Q.1 còn đe dọa chủ nợ khiến chủ nợ sợ quá phải chạy đến công ty thu hồi nợ hối thúc thanh lý hợp đồng càng nhanh càng tốt.

 

Hoặc trường hợp của bà N. (ngụ Q.1) mang giấy tờ đất đem cầm 600 triệu đồng cho một công ty thu hồi nợ ở Q.1. Trả tiền lãi được 1 năm, bà N. hết khả năng chi trả. Sau đó, công ty thu hồi nợ này thay vì đòi tiền đã ép bà N. sang tên mảnh đất cầm cố có trị giá hàng tỉ đồng cho công ty.

 

Bị mất đất một cách vô lý, bà N. đã sinh bệnh và qua đời. Trước khi chết, bà N. đã trăn trối lại cho người nhà biết sự việc để nhờ pháp luật đòi lại mảnh đất nói trên. Khi người nhà của nạn nhân đến công ty thu hồi nợ yêu cầu trả lại mảnh đất thì công ty buộc người nhà nạn nhân phải trả 7 tỉ đồng mới trả lại đất...

 

Vi phạm nhiều

 

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn chục công ty, chi nhánh thu hồi nợ. Theo quy định, việc đi đòi nợ được cơ quan chức năng quản lý rất chặt chẽ. Trước khi đi đến địa điểm nào đòi nợ, công ty thu hồi nợ phải được sự ủy quyền của chủ nợ, phải có công văn gửi thông báo cho công an, chính quyền địa phương trước khi đến đòi nợ. Nhân viên của công ty thu hồi nợ phải có trình độ học vấn nhất định, khi đến đòi nợ phải giữ trật tự công cộng... “Tuy nhiên, nhiều công ty thu hồi nợ có hành vi gây rối trật tự công cộng.

 

Con nợ thường hay ù lì không chịu trả khiến chủ nợ và công ty thu hồi nợ nóng giận nên dùng biện pháp mạnh tay như la ó, giăng băng rôn, đe dọa, hành hung... gây mất trật tự công cộng. Ở TP.HCM chưa có trường hợp công ty thu hồi nợ nào bị xử lý hình sự, còn bị xử phạt hành chính thì nhiều. Hiện Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội cũng đang thụ lý điều tra một vụ liên quan đến một công ty thu hồi nợ” - một cán bộ Công an TP.HCM cho biết.

 

Theo Thanh Niên

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo