Đội quân tinh nhuệ giúp Tào Tháo đuổi Lưu Bị, phá Mã Siêu
Bên cạnh Gia Cát Lượng, Tào Tháo, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung cũng đề cập đến những nhân vật kiệt xuất khác thời Tam quốc như Quan Vũ, Tôn Quyền, ngũ hổ tướng Thục Hán… Loạt bài này sẽ làm rõ những tình tiết hư cấu trong tiểu thuyết cũng như khai thác yếu tố mà Tam quốc diễn nghĩa không đề cập đến. |
Theo trang mạng Qulishi (Trung Quốc), trong thời kỳ Tam quốc, ba nước Ngụy-Thục-Ngô đều sở hữu những đội quân tinh nhuệ, đóng vai trò quyết định trên chiến trường. Nhưng lực lượng được đánh giá hùng hậu và mạnh mẽ nhất phải kể đến Hổ Báo Kỵ của Tào Tháo.
Đội kỵ binh “bách chiến, bách thắng” này không được ghi chép nhiều trong chính sử Trung Quốc. Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa cũng không phác họa Hổ Báo Kỵ bởi tác giả La Quán Trung tập trung “đề cao Lưu Bị, đánh giá thấp vai trò Tào Tháo”.
Lực lượng tinh nhuệ nhất thời Tam quốc
Tào Tháo chia Hổ Báo Kỵ thành Hổ Kỵ Doanh và Báo Kỵ Doanh. Vị trí chỉ huy 2 doanh được định đoạt thông qua thi đấu võ nghệ, mưu trí, chiến lược chiến thuật… Theo sử sách, các chức vụ chỉ huy cao nhất của Hổ Báo Kỵ chưa từng tuột khỏi tay gia tộc họ Tào.
Nhiều danh tướng của Tào Ngụy cũng xuất thân từ lực lượng kỵ binh này. “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ có nhắc tới 8 vị tướng nổi tiếng, gọi là Bát Hổ Kỵ, gồm Tào Nhân, Tào Hồng, Tào Thuần, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Tào Chân, Tào Tu, Hạ Hầu Thượng.
Trần Thọ cũng hết lời ca ngợi đội quân này: "Hổ Báo Kỵ do Tào Thuần chỉ huy, là lực lượng tinh nhuệ trong thiên hạ, trăm người mới tuyển được một".
Hậu Hán Thư có viết, trong số lực lượng quân đội của Tào Ngụy, Hổ Báo Kỵ thuộc lực lượng trung quân.
Trung quân có chức năng tương đương Cấm vệ quân bảo vệ Hoàng thành, do Tào Tháo trực tiếp chỉ huy. Riêng lực lượng Hổ Báo Kỵ chịu trách nhiệm bảo vệ Tào Tháo, Bá phủ và Hoàng cung. Bá phủ là cơ quan tối cao chỉ huy quân đội Tào Ngụy.
Tam quốc diễn nghĩa không nhắc đến Hổ Báo Kỵ mà chỉ mô tả sơ sài việc, 5.000 thiết kỵ đánh bại Lưu Bị. Điều này khiến độc giả có cái nhìn sai lệch về Hổ Báo Kỵ.
Trên thực tế, một số học giả Trung Quốc sau này đánh giá, đây là đội quân được đào tạo bài bản, quy mô và thiện chiến nhất thời Tam quốc.
Diệt Viên Đàm
Viên Đàm là con trai cả của Viên Thiệu. Sau trận Quan Độ đại bại trước Tào Tháo, Viên Thiệu ốm nặng rồi qua đời. Anh em Viên Đàm và Viên Thượng tranh nhau ngôi vị. Tào Tháo sau khi giành chiến thắng cũng vội vàng khởi binh đánh lên phía Bắc.
Viên Đàm khi đó đóng quân ở Lê Dương, còn Viên Thượng giữ Nghiệp Thành. Năm 203, Tào Tháo nghe lời Quách Gia, một mặt rút quân, mặt khác chia rẽ hai anh em Viên Đàm, Viên Thượng.
Tào Tháo ngầm hẹn ước với Viên Đàm làm thông gia, định cho con gái họ Viên lấy con trai mình là Tào Chỉnh. Viên Đàm mắc mưu, đưa con gái sang Tào Ngụy. Khi hai anh em họ Viên rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn, Tào Tháo nhân cơ hội đánh Nghiệp Thành.
Tháng 7/204, Viên Thượng nghe tin Nghiệp Thành bị Tào Tháo bao vây, bèn ngừng tấn công Viên Đàm ở Bình Nguyên, mang quân về ứng cứu. Biết được điều này, Tào Tháo chia quân đón đường đánh tan quân Viên Thượng.
Bản thân Viên Thượng phải bỏ cả áo giáp, ấn thụ và vật nặng mà bỏ chạy sang nước nơi khác. Nghiệp Thành thất thủ không lâu sau đó.
Khi nhận thấy họ Viên suy yếu, Tào Tháo gửi thư trách Viên Đàm rồi cắt đứt thông gia, trả con gái rồi đem quân tấn công. Năm 204, Hổ Báo Kỵ lần đầu tiên xuất hiện trong sử sách, khi tham gia chiến đấu chống quân Viên Đàm.
Cuộc chiến Nam Bì với Viên Đàm không hề dễ dàng, Tào Tháo có lúc muốn rút lui nhưng Tào Thuần, thống lĩnh đội quân tinh nhuệ Hội Báo Kỵ, lại tin tưởng vào chiến thắng. Trong một cuộc giao chiến quyết liệt, Viên Đàm bỏ mạng dưới tay Hổ Báo Kỵ.
Đánh bại anh em họ Viên, Tào Tháo còn tiến quân xa hơn về phương Bắc, chinh phạt các bộ tộc Hung Nô.
Năm 206, Hổ Báo Kỵ được mô là lực lượng di chuyển rất nhanh, không mang theo đồ tiếp tế cồng kềnh. Đợt tấn công bất ngờ đã khiến thiền vu Hung Nô là Thạp Đốn không kịp trở tay, bỏ mạng trên chiến trường.
Đuổi Lưu Bị
Sau khi ổn định tình hình phương bắc, Tào Tháo muốn tiến quân xuống phía Nam, đánh chiếm nơi có vị trí chiến lược là Kinh Châu. Lưu Biểu nắm Kinh Châu vốn đã già yếu, thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chiếm Kinh Châu, Tào Tháo sẽ có bàn đạp diệt Lưu Bị và mở đường tấn công sang Giang Đông, nơi nhà họ Tôn của Tôn Quyền kiểm soát. Năm 208, Tào Tháo thống lĩnh 200.000 quân từ Nghiệp Thành đánh xuống Kinh Châu, Tào Thuần dẫn theo Hổ Báo Kỵ cũng đi cùng Tào Tháo.
Tháng 8/208, Lưu Biểu qua đời trong khi quân Tào áp sát Kinh Châu. Trước sức ép của các quân sư, con út của Lưu Biểu là Lưu Tông chấp nhận ra hàng Tào. Mãi đến khi quân Tào Tháo sắp đến Uyển Thành, Lưu Tông mới sai người báo chí Lưu Bị biết.
Lưu Bị lúc này vẫn đang nương nhờ vào thế lực Lưu Biểu. Không chấp nhận đầu hàng Tào Tháo, Lưu Bị cùng Gia Cát Lượng rút quân về phía nam, tiến xuống Giang lăng. Trên đường đi, hơn 10 vạn dân Kinh Châu sợ bị Tào Tháo tàn sát nên cũng đi theo.
Mỗi ngày, đoàn quân chỉ đi được 10 dặm. Trong khi đó, Giang Lăng cách đến 300 dặm, tức là phải đi liên tục trong vòng một tháng. Sau khi thâu tóm Kinh Châu, Tương Dương, Tào Tháo nghe tin Lưu Bị đã đi Giang Lăng, liền lấy 5.000 kỵ binh, cùng Tào Thuần và hàng tướng Văn Sính, cấp tốc đuổi theo.
Đội quân 5.000 kỵ binh truy đuổi Lưu Bị trong Tam quốc diễn nghĩa chính là Hổ Báo Kỵ. Tuy nhiên, tên của đội quân này không được nhắc đến, chỉ đề cập đến việc mỗi ngày đêm đi được 300 dặm.
Tháng 10/208, Hổ Báo Kỵ truy kích quân Lưu Bị ở dốc Trường bản, bắt được gia quyến họ Lưu, bao gồm cả hai phu nhân. Nhưng chiến tướng Triệu Vân của Lưu Bị đột kích vòng vây, giải nguy.
Vì Tào Tháo rất thích Triệu Vân nên ra lệnh cho cung thủ không bắn lén, tạo cơ hội để vị tướng này đưa gia quyến Lưu Bị trở về.
Phá Mã Siêu
Mã Siêu là chiến binh Tây Lương dũng mãnh, nổi danh trong lịch sử thời Tam Quốc. Mã Siêu từng hùng cứ tại Tây Lương sau đó đã khởi binh chống lại triều đình nhà Hán và nhiều lần đánh bại Tào Tháo trong chiến dịch Đồng Quan. Tào Tháo có lần suýt mất mạng dưới tay quân Mã Siêu, phải cắt râu bỏ áo mà bỏ chạy.
Tào Tháo khi đó đã phải thốt lên: “Thằng ranh họ Mã chẳng chết, ta chết không có đất mà chôn“. Bản thân Mã Siêu cũng sở hữu đội kỵ binh Tây Lương thiết kỵ nổi tiếng".
Sử sách Trung Quốc chép lại, cuộc chiến quân Tào với Mã Siêu diễn ra dai dẳng. Cho đến khi hai bên mỏi mệt, Tào Tháo mới tung Hổ Báo Kỵ vào chiếm lĩnh thế trận.
Mã Siêu bị quân Tào truy kích đến tận An Định nhưng vì đến cuối cùng, Tào Tháo lấy lý do “phương bắc có biến” nên thu quân. Mã siêu sống sót nhưng người thân bị triều đình xuống chiếu tru di tam tộc.
Có thông tin nói rằng, Hổ Báo Kỵ chính là đội quân giúp Tào Hồng, Tào Hưu đánh lui quân Thục, khiến Trương Phi phải rút lui khỏi Cố Sơn năm 217. Tuy nhiên, thông tin này không được ghi lại trong sử sách Trung Quốc.
Có thể nói, đúng với tính chất của một đội quân tinh nhuệ, Hổ Báo Kỵ không thường xuyên ra trận nhưng luôn có mặt ở những thời điểm quyết định, giúp Tào Tháo “chuyển bại thành thắng”.
Sau khi Tào Thuần qua đời năm 210, Tào Tháo không lựa chọn bất kỳ một võ tướng nào kế nhiệm, mà đích thân ông thống lĩnh đội quân tinh nhuệ Hổ Báo Kỵ cho đến lúc chết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo