Quốc tế

Đối thoại Shangri-La và điểm nóng biển Đông

Căng thẳng trên biển Đông hiện diện xuyên suốt nghị trình trong khi sự vắng mặt của đại biểu cấp cao từ Trung Quốc gây ra nhiều thắc mắc.

Tại cuộc họp báo trước khi Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương thường niên, gọi tắt là Đối thoại Shangri-La (SLD), chính thức khai mạc tối qua tại Singapore, nhà tổ chức là Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh gọi biển Đông là “điểm nóng”. Vì thế, nghị trình SLD năm nay phần lớn xoay quanh vấn đề này.

 

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn nói rằng tình hình biển Đông khiến ông rất quan ngại. “Chúng ta không thể chấp nhận việc chồng lấn lãnh thổ trên biển trở thành xung đột” và không nên trì hoãn việc cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), ông nói.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta với bài phát biểu vào sáng nay (2/6) được chờ đợi sẽ phát tín hiệu có tác động đến căng thẳng chưa có lối ra giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough.

 

Trước khi lên đường đến Singapore rạng sáng qua, ông Panetta nói với các phóng viên: “Tại SLD, tôi sẽ xác nhận lại chiến lược tái cân bằng lực lượng quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương và các kế hoạch mới của Mỹ”.

 

Tranh chấp biển Đông và nguy cơ tiềm ẩn trên biển sẽ tiếp tục được bàn luận trực tiếp hoặc gián tiếp trong cả 4 phiên họp giữa 350 đại biểu quốc phòng, ngoại giao và học giả từ 28 quốc gia. Đặc biệt, diễn đàn cũng dành riêng một phiên họp kín để các bên trực tiếp liên quan đến tranh chấp thể hiện quan điểm và tìm tiếng nói chung.

 

Bên ngoài diễn đàn, sự vắng mặt của đại biểu cấp cao từ Trung Quốc lần này trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi. So với Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt (năm 2011), hay Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Mã Hiểu Thiên (2009, 2010), trưởng đoàn Trung Quốc năm nay là trung tướng Nhậm Hải Tuyền, Viện phó Viện Khoa học quân sự.

 

Một phóng viên đặt vấn đề tại cuộc họp báo liệu nguyên nhân có phải do Trung Quốc cảm nhận không khí của SLD dường như “đối nghịch” với họ hay không. Bởi trong những lần trước, đại diện Trung Quốc ít nhận được sự chia sẻ của đại biểu khắp thế giới. 

 

Tuy nhiên, báo Straits Times trích lời ban tổ chức nói rằng các quan chức Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho hay ưu tiên hiện tại là cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo trong nước vào cuối năm nay. “Trọng tâm năm nay là các vấn đề chính trị nội tại của đảng và chính phủ, trong đó gồm cả PLA”, nguồn tin nói.

 

Tiến sĩ Lý Minh Dương, chuyên gia về Trung Quốc của Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, thuộc Đại học Công nghệ Nangyang của Singapore, nhận định việc lãnh đạo cấp cao PLA không đến SLD năm nay là “thiếu khôn ngoan” vì điều đó “có thể dẫn đến sự hoài nghi của một số nước trong khu vực đối với Trung Quốc”.

 

“Trung Quốc thường than phiền về vị trí “chiếu dưới” của họ trong việc định hình các cuộc đối thoại quốc tế”, tuy nhiên nước này chỉ có thể “tự trách” vì sự vắng mặt của mình, học giả Lý nói.

 

Đối lập với Trung Quốc, đoàn đại biểu Mỹ bên cạnh Bộ trưởng Panetta còn có 2 nhân vật hàng đầu của quân đội là Tổng tham mưu trưởng Martin Dempsey và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Samuel Locklear.

 

Ngoài ra còn có nhiều quan chức cao cấp như Thứ trưởng Ngoại giao Bill Burns cùng 2 thượng sĩ John McCain và Joseph Lieberman. Sau SLD, ông Panetta sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 3 - 4/6, rồi tiếp tục thăm Ấn Độ. “Tôi hy vọng tôi có thể làm mọi thứ để củng cố thêm quan hệ với Việt Nam”, ông Panetta nói với phóng viên.

 

 

Hơn 10 quốc gia tham dự diễn đàn SLD đề nghị được gặp song phương với Thứ trưởng Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Điều đó khẳng định sự quan tâm rất lớn của quốc tế đối với Việt Nam, Tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán nước ta ở Singapore Nguyễn Văn Hải nói với Thanh Niên.


Theo TN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo