Thị trường

Dồn dập xả hàng

Hàng tồn, hàng bị lỗi cuối năm ào ạt tràn ra thị trường dưới danh nghĩa “tổng xả hàng”. Ghi nhận tại TP.HCM, nhiều mặt hàng quần áo thời trang... đã được đem ra bán đại hạ giá.

Người dân chọn mua quần áo bán trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM.

 

Ðường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) vốn không phải là con đường chuyên bán hàng thời trang tại TP.HCM, nhưng chỉ hơn một tháng qua tại đây xuất hiện hàng loạt cửa hàng, sạp bán hàng thời trang “dã chiến” với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn người đi đường.

 

Giá rẻ bất ngờ

 

“50.000 một cái áo, 50.000 một cái áo nào” - một ông chủ bán hàng rao vang trong tiếng xe cộ ồn ào. Hơn 10g đêm, những đôi trai gái đi chơi tranh thủ vào nhìn ngắm, lựa mua váy áo.

 

“Tụi mình đi ngang, thấy quần áo coi cũng được mà bán rẻ quá, quẹo vô coi chứ thiệt tình chưa biết mua gì” - Thùy Trang, sinh viên Trường Saigontourist, cho hay. Sau một hồi lựa chọn, cô sinh viên này cũng ưng bụng một chiếc váy “coi được” với mức giá 150.000 đồng.

 

Theo anh Phan Văn Tính - một người bán tại đường này, hàng phần lớn lấy từ nguồn giá rẻ ở các cơ sở sản xuất hoặc nhập về từ các chợ sỉ, hay mua nguyên kho hàng tồn của các đơn vị bán hàng, sau đó đem về phân loại rồi xả ra thị trường bán giá rẻ.

 

“Hàng tồn nhiều nên giá trôi nổi đủ kiểu, mình về nhắm bán được bao nhiêu đồng lời thì bán. Thường đi mua kiểu này toàn khách vãng lai, nên giá nào thấy ưng là bán chứ không giữ giá, giữ hàng làm gì” - anh Tính nói. Anh Tính cho biết: “Dù giá rẻ nhưng buôn bán hên xui, có khi ngồi cả buổi không có khách mua, có bữa bán được vài chục cái nhưng bán được cũng mỏi cả miệng, người đi mua giờ toan tính dữ lắm”.

 

“30.000 một bộ, xổ hàng công ty, mua lẹ, mua lẹ nào” - tiếng rao vang của người bán khắp đoạn đường Tây Thạnh (Q.Tân Phú) khiến nhiều người đi đường không khỏi chú ý. Chỉ cần một tấm bạt hoặc một vài sào phơi đồ đơn giản, nhiều sạp bán hàng “dã chiến” được dựng lên tại đây để xả hàng, bán hàng.

 

Dạo một vòng quanh cung đường này, đếm sơ cũng vài chục sạp dựng lên như thế, nào quần áo, giày dép, ô dù, rồi đủ thứ hàng lẫn lộn. Chỉ cần căng tấm bạt rồi xả hàng ra, kiếm tấm biển ghi mức giá thật hấp dẫn, thế là có thể bán được hàng.

 

Trong khi đó, tại nhiều điểm bán trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) hay Cách Mạng Tháng Tám (Q.10), các ông chủ thuê hẳn những mặt bằng lớn chỉ để bán hàng tồn mùa tết dưới danh nghĩa “tổng xả hàng”.

 

Hơn 9g tối, chúng tôi ghé vào một điểm bán, hàng chục biển ghi giá bán giảm 100.000 hay 150.000 đồng/sản phẩm được in to, đặt trên từng đống quần áo lớn, ngổn ngang. Người mua cứ việc gửi xe, vào lựa rồi ra ngoài, có hai chủ sạp “gác cổng” tính tiền. Từ quần jean, áo thun, áo sơmi... và đủ thứ chồng chất, vương vãi được khoe giảm sát giá xuống còn 120.000 đồng hay 150.000 đồng.

 

Hàng thương hiệu “tung chiêu”

 

Ðể “kích” sức mua cho mùa bán tết cũng như “đấu” với hàng thời trang nhập khẩu có nguồn gốc lẫn không nguồn gốc, nhiều thương hiệu thời trang trong nước cũng chọn phương án giảm giá, hàng mới bán kèm hàng cũ với mức giá ưu đãi. Một số thương hiệu dành riêng quầy kệ bán hàng đồng giá cho các sản phẩm vừa qua mùa nhằm giảm bớt áp lực hàng tồn đọng trong dịp Giáng sinh và Tết dương lịch vừa qua.

 

Bà Lê Thị Hà Chi, giám đốc nhãn hàng thời trang Novelty (thuộc Tổng công ty may Nhà Bè - NBC), cho biết số lượng sản phẩm thời trang sản xuất cho mùa tết đã hoàn tất, “bây giờ chỉ tung ra bán”.

 

Theo bà Chi, so với năm ngoái, lượng sản xuất hàng tết của NBC tăng 15-20% với hơn 500.000 sản phẩm của 20 chủng loại mặt hàng mẫu mã, thậm chí có dự trữ cho tháng 1 và nửa tháng 2 phòng trường hợp sức mua tăng đột biến.

 

“Năm trước sức mua tăng vọt vào tháng cuối cùng cận tết, tăng gần 200%, nên chúng tôi cũng chuẩn bị nguồn hàng để tận dụng mọi cơ hội bán hàng cho trường hợp đột biến” - bà Chi cho hay.

 

Trong khi đó, tại hệ thống thời trang Việt Thy, 76 mẫu mới của hai bộ sưu tập dành cho mùa tết vừa được tung ra.

 

“Sức mua có thể tăng 20-30% so với ngày thường vào hai tuần trước tết, nhưng chúng tôi không tăng lượng sản xuất, mà tăng số lượng mẫu mới để thu hút khách nhiều hơn” - bà Ðặng Quỳnh Ðoan, giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, nói.

 

Theo bà Ðoan, hàng thời trang có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn mạnh hơn “về chất liệu với sự phong phú đa dạng vốn có”. Nhưng nếu so về mặt chất lượng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang có ưu thế trội hơn.

 

Ðại diện Công ty BlueExchange cho biết doanh nghiệp sẽ điều chỉnh phương án bán hàng theo dấu hiệu thị trường. Nếu thị trường xấu, phải chấp nhận cắt lỗ để giải thoát dòng tiền mặt, còn hơn cứ ôm hàng chờ... chết” - đại diện BlueExchange chia sẻ.

 

Do đó, tại các cửa hàng của hệ thống BlueExchange, hàng mới luôn bán song hành với hàng cũ, trong đó khuyến mãi dành cho các mẫu cũ luôn ở mức giảm bình quân 30%. Thậm chí có mẫu hàng đã từng giảm 50% nhưng vẫn chưa “đẩy” được hết nên giảm tiếp 20% trên mức đã giảm trước đó để lấy chỗ treo hàng mới lên.

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo