Chân dung

Đơn giản vì doanh nghiệp của tôi mang tên Trí Đức.

Đấy là câu nói đơn sơ đến bất ngờ của ông Giám đốc Công ty CP dịch vụ Trí Đức (Yên Bái) mà người dân thành phố Yên Bái nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung vẫn thường gọi thân thuộc là Trung tâm 115 Trí Đức

Một câu chuyện tình cờ mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn phải dùng lại cụm từ “duyên kỳ ngộ” để nói về nguyên cớ tôi biết đến Trần Tuấn Hiệp.

Ấy là câu chuyện của ngót một năm về trước khi tham dự cuộc hội thảo liên ngành có chủ đề “Tìm giải pháp hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp xã hội”. Hơn 100 đại diện của các doanh nghiệp được xướng tên nhưng tôi chỉ nhớ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 115 có địa chỉ tại tỉnh Yên Bái, sau hội thảo tìm đến ban tổ chức tôi mới có thông tin đầy đủ thì ra đó là Công ty CP dịch vụ Trí Đức chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển cứu thương 115 tại tỉnh Yên Bái.

Có trong tay số điện thoại và một vài thông tin cần thiết tôi liên hệ với Trần Tuấn Hiệp và có nhã ý hẹn ngày gặp gỡ, nhưng cái điều tưởng rất đỗi bình thường giữa một phóng viên và một ông chủ doanh nghiệp ấy giữa tôi và anh Hiệp lại chẳng bình thường vì năm lần bảy lượt cứ hẹn rồi lại lỡ hẹn. Khi thủ phạm là tôi, lúc anh Hiệp lại bận công việc.

Thời gian thấm thoát, chúng tôi chỉ làm quen và trò chuyện qua điện thoại, biết về nhau theo kiểu “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”. Và rồi điều phải đến đã đến. Vào một ngày chớm thu tháng 8, tôi có cơ hội theo một đoàn công tác về Yên Bái tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi hẹn gặp anh Hiệp.

Biết tôi đang ở thành phố Yên Bái anh nói ngay: “Cố gắng đến chỗ mình một chút nhé. Nhất định là phải đến chỗ mình đấy. Cứ đến Trung tâm điều hành 115 Trí Đức trong Bệnh viện Đa khoa ấy, một lát thôi là mình về ngay”.

Tôi cùng mấy người bạn tìm đường vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái dưới cái nắng oi ả giữa trưa hè. Phải thú thật về cảm nhận đầu tiên của tôi là cơ sở y tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn thực sự khiêm tốn. Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh nhưng cũng chẳng lớn hơn tuyến huyện ở các tỉnh vùng xuôi, hay gần hơn là ngay với Phú Thọ quê tôi. Ngay ở cổng chính Bệnh viện chúng tôi nhận ra ngay Trung tâm điều hành 115 Trí Đức.

Đó là một Ki-ốt nhỏ được dựng lên bằng khung nhôm kính có diện tích khoảng 12m2. Ngó vào cái tổ ấm nhỏ nhưng lại chứa đựng bao hy vọng cho người bệnh mỗi khi trái gió trở trời. Cô cậu nhân viên đang trực lúng túng vì không biết kiếm chỗ nào để mời khách ngồi. Đành đứng chờ. Thấy khách đứng bất tiện, cậu nhân viên trực máy luống cuống, “mời..mời các anh chị ngồi uống nước”. Nói là ngồi nhưng cả phòng nhõn chiếc ghế và một chiếc giường.

Mãi rồi giám đốc cũng về. Một cái bắt tay thật chặt cho buổi đầu diện kiến. Tôi giờ cũng mới được thấy anh, một người đàn ông phốp pháp, nước da trải đời và ở con người ấy toát lên vẻ hoạt bát, tự nhiên, sôi nổi. Trần Tuấn Hiệp kéo tôi ngồi xuống chiếc giường hỏi về chuyện của tôi, nói về chuyện của anh một cách tự nhiên không đắn đo toan tính. Anh nói hết, tuốt tuồn tuột từ ruột gan của những ấp ủ, những suy tư.

Hiệp nói anh sinh năm 1970 tại thành phố Yên Bái. Học xong phổ thông anh không lắm ước mơ như bạn bè cùng trang lứa mà đi học lái xe rồi xin vào làm nhân viên lái xe trong Bệnh viện tỉnh. Được giao nhiệm vụ lái xe cứu thương của Bệnh viện.

Anh Trần Tuấn Hiệp - Giám đốc Công ty CP dịch vụ Trí Đức

Là người trực tiếp chứng kiến nhiều sự cảm thương trong quá trình làm công tác vận chuyện bệnh nhân, không ít lần anh phải rơi nước mắt vì nhìn bệnh nhân chết từ từ vì phương tiện cấp cứu quá thô sơ và cũ kỹ. Biết vậy nhưng với cá nhân Trần Tuân Hiệp không thể làm gì giúp đỡ họ, nhiều ca cấp cứu chỉ vì xe đi chậm bệnh nhân mất anh không thể nào ngủ được. Anh chỉ mơ ước mình có tiền mua một chiếc xe tốt để mỗi khi có người cần anh chở thuê cho họ. Đó cũng chính là một cách để giúp đỡ những bệnh nhân không phải chết chỉ vì không có phương tiện nhất là Yên Bái có nhiều bệnh nhân vùng sâu vùng xa, phương tiện giao thông còn nhiều khó khăn.

Ước nguyện nhỏ nhoi ấy nhưng không phải muốn là làm được khi anh chỉ là một nhân viên lái xe quèn. Tình cờ năm 2009, một người bạn đồng nghiệp của vợ anh ở Công ty viễn thông tỉnh rủ anh hùn vốn để làm ăn. Anh rủ bạn dịch vụ cấp cứu 115. Bằng sự chân tình và kiên trì thuyết phục bạn anh đã đồng ý đầu tư. Ngay lập tức anh chạy thủ tục và vay mượn thêm vốn để mua xe, mua thiết bị cho ra đời Công ty Cp dịch vụ Trí Đức, chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển bệnh nhân.

Qua một thời gian hoạt động thấy được ý nghĩa và hiệu quả của dịch vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã cho mượn địa điểm trong Bệnh viện để doanh nghiệp có điểm giao dịch thuận lợi trong khuôn viên của Bệnh viện.

Nhớ lại những ngày đầu Trần Tuấn Hiệp nói với chúng tôi: “Khó khăn lắm các anh chị ạ! Thú thật là mình thành lập doanh nghiệp nhưng lại là doanh nghiệp xã hội. Không chỉ ở ở Yên Bái mà nhiều địa phương khác cũng chưa có nhiều mô hình này. Bọn mình cứ phải lần mò, đôi lúc cũng nản nhưng lại được gia đình và nhất là bà xã động viện nên cứ cố gắng. Kết quả cũng thành công bước đầu. “Vừa mới đây bọn mình được một tổ chức phi chính phủ đầu tư cho một số đầu xe nữa và giờ thì Trí Đức có 5 xe cứu thương trang thiết bị khá đủ và hiện đại…mừng lắm”, Hiệp cười sảng khoái.

Đúng là với những doanh nghiệp xã hội nói chung hay như Công ty CP dịch vụ Trí Đức (Yên Bái) nói riêng họ là những doanh nghiệp mang đậm chất nhân đạo, xong những chế tài hỗ trợ hay chính sách ưu đãi với họ lại không có.

Anh Hiệp cho biết mỗi năm vẫn phải đóng hơn 10 triệu thuế thu nhập doanh nghiệp. Biết rằng làm doanh nghiệp phải cố gắng làm sao có lãi, nhưng như với Trí Đức đầu tiên là làm tất cả vì người bệnh, lấy mục tiêu cứu người làm tiêu chí quan trọng nhất. “Bọn mình sẵn sàng giảm giá cước, đôi khi là miễn phí đối với bệnh nhân nghèo”, miệng nói anh Hiệp đưa cho tôi xem cả tập hóa đơn với mức giá giảm đến 40-50% giá thành thực để chứng minh đó là sự thật không phải nói suông.

Khi được hói tại sao là doanh nghiệp mà mục đích chính không phải là lợi nhuận, anh Hiệp rất thẳng: “Sao lại không lợi nhuận, có điều lợi nhuận ở mức nào thôi. Mục tiêu làm ăn phải có lãi, có lãi mới phát triển được và mới nuôi được nhau chứ nhưng lãi thế nào và ý nghĩ của đồng tiền lời ấy”.

Chia tay Trần Tuấn Hiệp cũng vội vã như khi gặp. Anh bắt tay tôi và nói, “khi nào về Yên Bái nhớ gọi mình, hy vọng bạn đừng quên vì tên doanh nghiệp của mình quá đơn giản chỉ là Trí Đức thôi”. Nhìn thân hình phốp pháp của anh thoáng đã hòa vào dòng người đông đúc tôi cứ văng vẳng câu nói của anh: “Đơn giản tên doanh nghiệp của mình là Trí Đức thôi”. Không biết anh buột phát nói với tôi lúc chia tay hay đã thâm thúy để chờ khi chia tay mới nói. Dù gì tôi cũng mạn phép mượn câu nói của anh để làm tựa đề cho bài viết.

Trọng Khả
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo