Môi trường

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt họa kép

Sáu hồ chứa lớn trên thượng nguồn khiến dòng chảy sông Mê Kông đang có nhiều thay đổi… Trong tương lai, dòng sông lớn này có thể gánh gần 20 đập thủy điện nữa

đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam -  được hình thành trên lợi thế đồng bằng phù sa rộng lớn màu mỡ, nguồn nước dồi dào. Nhưng hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long đang gặp những yếu tố bất lợi cũng từ… các lợi thế đó!

 

Thịnh vượng nhờ “cửu long”

 

Nằm ở hạ lưu châu thổ sông Mê Kông và chiếm 79% diện tích toàn châu thổ, đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 3,96 triệu ha, được biết đến như một vùng đất trù phú. Tuy nhiên, theo TS Lê Phát Quới, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, đó là câu chuyện từ sau năm 1986.
 
Với 1,9 triệu ha vùng đầu nguồn bị ảnh hưởng lũ; 1,2- 1,6 triệu ha vùng ven biển bị xâm nhập với độ mặn 4 lít/giây; 1,2 triệu ha đất vùng trũng là đất phèn và bị ảnh hưởng sự lan truyền nước chua; 2,1 triệu ha đất vùng xa sông gần biển thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.
 

“Đây không phải là vùng đất nông nghiệp lý tưởng nếu không muốn nói là quá khó khăn nghèo nàn: mùa mưa thừa nước lũ và mùa khô thiếu nước tưới, mặn xâm nhập” - TS Quới nhận định.

 

Từ khi Nhà nước triển khai các chương trình, dự án dẫn nước sông Mê Kông để rửa phèn, đẩy mặn, cung cấp phù sa…  diện tích ảnh hưởng mặn chỉ còn dưới 500.000 ha, diện tích ảnh hưởng chua phèn còn dưới 100.000 ha.

 

Diện tích đất trồng lúa  dần được nâng lên, đến nay khoảng 1,7 triệu ha, sản lượng lúa vì thế cũng được nâng từ 4,5 triệu tấn/năm (1976)  lên 21,3 triệu tấn/năm (2010). Lượng thủy sản nuôi trồng trên 1,42 triệu tấn/năm trong tổng số 2 triệu tấn hải sản hằng năm.


Mất 1 tỉ USD/năm


Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã phối hợp với nhiều chuyên gia thử “đo lường” thiệt hại do các đập thượng nguồn gây ra đối với ĐBSCL. Ước tính, tổn thất cá trắng là khoảng 240.000 - 480.000 tấn/năm, nếu tính giá 2.500 USD/tấn, mỗi năm ĐBSCL sẽ thiệt hại khoảng 500 triệu đến 1 tỉ USD. Trong lưu vực Mê Kông, 65% là cá trắng và 35% là cá đen.
Cá đen ăn cá trắng để tồn tại, khi mất cá trắng thì cá đen sẽ mất theo; các loài khác như chim, cò, rùa, rắn cũng sẽ suy giảm tương tự. Lượng phù sa hằng năm giảm còn 25% so với hiện nay. “Mất phù sa sẽ làm cho ĐBSCL bị sụt lún và chìm rất nhanh xuống dưới mực nước biển cùng với tác động của nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Chưa kể khi xảy ra sự cố thì hạ lưu bao giờ cũng là vùng tổn thất nặng nhất mà trên “đầu” chúng ta có thể sẽ trên 20 cái đập” - TS Tứ nhấn mạnh. Theo ước tính của Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, hơn 14 triệu dân sẽ bị ảnh hưởng do thu nhập từ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản giảm.

 

TS Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, cho biết tổng lượng nước các sông suối đổ vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 830 - 850 tỉ m3/năm, trong đó sông Mê Kông đóng góp 475 tỉ m3 (chiếm 53% - 57%). Đối với đồng bằng sông Cửu Long, 95%  lượng nước do sông Mê Kông cung cấp.
 
Lượng phù sa hằng năm của sông Mê Kông đến cửa sông và đổ ra biển là 150 - 200 triệu tấn/năm. Chính lượng phù sa màu mỡ này đã bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất và giúp bồi đắp để lấn ra biển từ 1-2 m/năm. Qua đó có thể thấy sông Mê Kông đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển đồng bằng sông Cửu Long.
 

“Chín rồng” bị chặt khúc

 

Theo Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, hiện Trung Quốc có tám thủy điện và hai hồ chứa trên thượng nguồn (sáu hồ chứa và đập đã đi vào hoạt động), hạ nguồn có 12 đập của các nước khác. Việt Nam chỉ được 5% sản lượng điện từ các đập thủy điện nói trên nhưng sẽ là quốc gia thiệt hại nặng nề nhất và khu vực phải gánh chịu không đâu khác là đồng bằng sông Cửu Long.
 
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, hầu hết các hệ thống hồ chứa là đập dâng cho nước qua trong mùa lũ nên không có tác dụng cắt lũ mà còn làm cho lũ lớn hơn, dẫn đến lũ hằng năm của đông bằng sông Cửu Long ngày càng chênh lệch và biến lũ lớn thành lũ nhỏ, từ lũ nhỏ thành không có lũ.
 
Đồng bằng sông Cửu Long tồn tại và phát triển nhờ lũ, nếu không có lũ sẽ bị đảo lộn và nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường, chất lượng nước và dòng chảy kiệt. Lũ đầu vụ (khoảng tháng 8) nếu lớn sẽ ảnh hưởng thu hoạch vụ hè thu, nếu nhỏ hoặc biến mất sẽ càng nguy hại vì 60% - 70% lượng phù sa trong năm tập trung ở ba tháng đầu lũ.
 
Trong khi đó, vào mùa khô, mỗi đập có thể tích nước đến ba tuần, gây kiệt thêm,  mặn  xâm nhập sâu vào đất liền. Bên cạnh đó, hệ thống hồ chứa thượng lưu có thể làm giảm đến 640 ha diện tích và chất lượng các vùng đất ngập nước: Vườn quốc gia U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim… Giao thông thủy sẽ là ngành bị tác động mạnh nhất vì sự xuất hiện các công trình và nắn dòng chảy.
 

TS Quới cảnh báo:  “1,2 triệu ha đất phèn tiềm tàng vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Tây Nam sông Hậu đang bị nước đè xuống, nếu thiếu nước ém phèn sẽ dẫn đến sự phèn hóa trong tương lai. Đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long là sông nước, nếu thiếu nước, hệ sinh thái chắc chắn sẽ thay đổi”.

 

Theo NLĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo