Thị trường

Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Ngày 6.11 tại Sóc Trăng, Bộ KHĐT và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại nông nghiệp vùng ĐBSCL. Được đánh giá là vùng đất đầy tiềm năng, BĐSCL trong những năm qua có bước tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững.

Tăng trưởng trong gian khó

Theo báo cáo của Bộ KHĐT, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm đạt 8-8,5%. Đây là mức tăng trưởng khá so với bình quân của cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2014 ước đạt gần 42,79 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%. 

Tăng trưởng của vùng được Bộ KHĐT đánh giá đạt khá trong bối cảnh kinh tế của vùng còn nhiều khó khăn, thách thức như thời tiết chuyển biến bất thường, nhiều mặt hàng nông sản của nông dân chịu tác động từ những thông tin chưa chính xác từ thị trường Trung Quốc. Tình trạng tôm nuôi, thiệt hại do dịch bệnh vẫn còn xảy ra, giá tôm nguyên liệu thường xuyên biến động, tạo tâm lý hoang mang cho người nuôi tôm. Xuất khẩu cá tra cũng chưa ổn định vì giá bán quá thấp, diện tích nuôi có khi thừa, khi thiếu...

Trong giai đoạn 1993-2014, tổng giá trị vốn ODA cho vùng ĐBSCL được ký thông qua các hiệp định với các nhà tài trợ đạt khoảng 5,76 tỉ USD, chiếm 8,2% so với tổng nguồn vốn ODA ký kết của cả nước. Trong số các dự án ODA được ký kết, chỉ có khoảng hơn 500 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vùng ĐBSCL thu hút 717 dự án, tổng vốn đăng ký là 7,59 tỉ USD trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng chỉ có 52 dự án, vốn đăng ký chỉ đạt 242,5 triệu USD trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, mỗi năm cả vùng ĐBSCL đóng góp cho an ninh lương thực hàng triệu tấn gạo. Tuy nhiên đại bộ phận nông dân trong vùng còn nghèo, thu nhập chưa cao, vốn đầu tư FDI vào khu vực này còn thấp. Theo bà Kwakwa, các địa phương trong vùng cần phải quảng bá hơn nữa tiềm năng lợi thế của mình để các nhà đầu tư biết và quyết định đầu tư. Mặt khác sản xuất nông nghiệp của vùng cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa vì hiện nay đang ở mức phát triển dưới tiềm năng.

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Văn Nam cho rằng, công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu các mặt hàng chủ lực của ĐBSCL chưa quan tâm xúc tiến đúng mức.

Cùng kiến nghị để đồng bằng phát triển

Theo đánh giá của ông Nguyễn Phong Quang - Phó ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành không thiếu các chính sách cho vùng ĐBSCL. Có những chính sách rất cụ thể, thiết thực liên quan đến đời sống của người nông dân. Tuy nhiên, khi áp dụng thực tiễn cần điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp. 

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Hiếu đề xuất, cần tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực của vùng như lúa, trái cây và thuỷ sản trên cơ sở phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng chất lượng cao, gắn sản xuất với chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường. Gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp với việc tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế tập thể để xây dựng vùng sản xuất tập trung.

Các DN chế biến các mặt hàng được cho là chủ lực của vùng ĐBSCL đều cho rằng, cần phải có sự liên kết, tổ chức lại sản xuất, hạn chế thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật, tiến tới nền nông nghiệp sạch phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Hầu hết các DN có mặt hàng xuất khẩu tại ĐBSCL đều kiến nghị với hội nghị cần có những quy định cụ thể về quy trình kỹ thuật sản xuất nguyên liệu lúa, tôm, cá... để tránh tình trạng bị các đối tác trả về hoặc đánh thuế chống bán phá giá.

Bộ KHĐT, Bộ NNPTNT, NHNN và các địa phương đều thống nhất đề nghị nên có quy định các nhà máy sản xuất phải có nguồn nguyên liệu, thay đổi chính sách thuế đối với các DN đầu tư công nghệ mới để sản xuất các mặt hàng nông sản và ưu tiên cho các HTX vay vốn... Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ can thiệp để điều phối nguồn ODA, FDI nhiều hơn cho vùng.

Theo báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo