Đóng BHXH 20 năm, lương hưu không đủ tiền ăn sáng
Không tin vào mắt mình
Bà Nguyễn Thị Thỏa, năm nay 57 tuổi, là giáo viên mầm non trường Lệ Xá, huyện Tiên Lữ từ năm 1980. Đến tháng 1.2014, khi hết tuổi LĐ, bà có 34 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 19 năm đóng BHXH bắt buộc (từ tháng 1.1995). Vì chưa đủ 20 năm đóng BHXH, bà đóng thêm một năm BH tự nguyện với tổng số tiền là 13,8 triệu đồng để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tuy nhiên đến tháng 1.2015, khi lên nhận quyết định lương hưu, bà Thỏa không tin vào mắt mình. Lương hưu mà BHXH tỉnh tính cho bà là 297.299 đồng/tháng. “Mức tiền này suýt soát với mức lương cơ sở cách đây 20 năm. Đồng lương ít ỏi không đủ để tôi ăn sáng chứ chưa nói đến chi tiêu ăn uống sinh hoạt cả tháng trời” - bà Thỏa nói.
Bà Thỏa tâm sự: “Cả cuộc đời tôi từ lúc còn trẻ đến nay mắt mờ, chân chậm, tôi đã cống hiến toàn bộ sức lực, tâm trí của mình cho ngành mầm non. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu khi hết tuổi LĐ, khi về nghỉ được cấp 1 khoản tiền tối thiểu để đủ sống qua ngày”.
Bà Thỏa nói, thật chua xót khi về già bà lại phải nhờ chồng, con nuôi ăn ở để sống nốt quãng đời còn lại. “Càng tủi thân hơn khi suốt gần 40 năm qua, chúng tôi đã đóng góp cho ngành mầm non từ lúc ngành còn nhiều thiếu thốn. Tôi nhớ, khi ấy thù lao của chị em giáo viên chỉ được 60kg thóc cho cả vụ công tác (1 vụ = 6 tháng). Nhưng vì yêu nghề, mến trẻ nên chúng tôi đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp giáo dục của đất nước. Nhưng với cách tính lương hưu như thế này, chúng tôi có khác gì những LĐ tự do có tham gia BHXH tự nguyện ở ngoài xã hội?”.
Vì sao lương hưu quá thấp?
Về trường hợp của bà Thỏa, BHXH tỉnh Hưng Yên cho biết, chính sách đối với giáo viên mầm non giai đoạn trước năm 1995 được thực hiện theo Quyết định số 152 ngày 8.4.1976 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 909 ngày 21.5.1977 của Liên bộ Giáo dục - Tài chính - Nông nghiệp về việc bổ sung chính sách đối với giáo viên mẫu giáo. Theo đó, giáo viên mẫu giáo chưa được tuyển vào biên chế nhà nước thì thời gian làm giáo viên mẫu giáo trước khi được tuyển vào biên chế nhà nước không được tính là thời gian công tác hưởng BHXH, mà chỉ được tính từ khi tham gia đóng BHXH.
Vì chỉ được tính từ tháng 1.1995, nên khi hết tuổi LĐ, bà Thỏa mới chỉ được 19 năm đóng BHXH bắt buộc, chưa đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Do đó bà Thỏa đóng thêm 1 năm BHXH tự nguyện. BHXH tỉnh Hưng Yên cho biết, công thức tính hưởng lương hưu trí cho những đối tượng như bà Thỏa được quy định theo Nghị định 190 ngày 28.12.2007 của Chính phủ và Thông tư số 02 hướng dẫn thực hiện.
Cụ thể, cách tính là tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Với cách tính trên, lương bình quân của bà Thỏa là 495.499 đồng. Trường hợp của bà Thỏa, tỉ lệ % tính lương hưu hàng tháng là 60% nên bà Thỏa được hưởng số tiền lương hưu hàng tháng là 297.299 đồng. Do tại thời điểm giải quyết, chưa có văn bản quy định mức điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH áp dụng cho năm 2015 (có thể hiểu là điều chỉnh trượt giá) nên BHXH tỉnh Hưng Yên tạm thời giữ nguyên mức tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH để giải quyết lương hưu.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hữu Bình - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hưng Yên - khẳng định, BHXH tỉnh Hưng Yên đã tính lương hưu của bà Thỏa đúng theo quy định, còn “lương hưu thấp là do mức đóng BHXH thấp”. Ông Bình nói, do bà Thỏa khi nghỉ hưu có 19 năm đóng BHXH bắt buộc, còn lại là 1 năm đóng BHXH tự nguyện, nên không thuộc đối tượng bù lương hưu bằng mức lương cơ sở (1.150.000 đồng).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết