Quốc tế

Động đất khiến hơn 1.800 người chết, Nepal kêu gọi cứu giúp

Nepal kêu gọi sự trợ giúp của các nước trên thế giới khi cho biết rằng số người thiệt mạng vì trận động đất 7,9 độ richter ở nước này đã tăng hơn 1.800 người sau nhiều giờ tìm kiếm.

Người dân ngủ ngoài đường vì lo sợ động đất - Ảnh: CNN



Reuters cho biết hàng ngàn người dân tại các khu vực xảy ra động đất quá sợ hãi để trở về ngôi nhà bị hư hại của mình. Họ bất chấp cái lạnh để ngủ trên vỉa hè, trong công viên hoặc các khu đất trống và cánh đồng.

"Chúng tôi đã đưa ra một kế hoạch cứu hộ và phục hồi chức năng lớn, rất nhiều việc cần phải làm. Đất nước chúng tôi đang trong thời điểm khủng hoảng và kêu gọi hỗ trợ từ các nước khác" - Bộ trưởng Thông tin truyền thông Minendra Rijal cho biết.
 
Theo AP, số người thiệt mạng đã lên hơn 1.800 người. Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết hơn 630 người thiệt mạng tại Thung lũng Kathmandu và hơn 300 người khác tại thủ đô Kathmandu.

Bộ trưởng Thông tin truyền thông Minendra Rijal lo ngại con số người chết còn tăng cao hơn nữa do hiện nay chưa có thông báo đầy đủ từ tâm chấn.

Đến nay nhiều người bị mắc kẹt trong các đống đổ nát. Truyền hình địa phương đã chiếu cảnh các nhân viên cứu hộ tại thủ đô Kathmandu nỗ lực dùng tay đào bới các đống đổ nát để tìm kiếm những người sống sót. Nhiều tòa nhà lịch sử tại thủ đô đã bị phá hủy.

Đến sáng 26-4, các dư chấn tiếp tục xảy ra ở vùng xảy ra động đất. Hầu hết các khu vực này đếu không có điện và nước.

"Có ít nhất ba trận động đất lớn vào ban đêm và sáng sớm 26-4. Làm thế nào chúng tôi yên tâm? Mọi người đều sợ hãi và lo lắng," Sundar Sah, một người dân ở vùng động đất nói. "Tôi hầu như không ngủ được, cứ chợp mắt một chút tôi lại tỉnh dậy và cảm thấy vui mừng khi biết mình vẫn còn sống".

Các bệnh viện tại Nepal đang phải vật lộn để đối phó với số lượng người chết và người bị thương quá lớn từ trận động đất tồi tệ nhất Nepal trong 81 năm qua.

Cứu hộ gặp nhiều khó khăn

Việc thiếu các trang thiết bị chuyên dụng cũng đồng nghĩa với việc các nhân viên cứu hộ không thể đào sâu hơn các đống đổ nát để tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống.

Nhiều người bị vùi trong đống đổ nát - Ảnh: CNN



Động đất cũng tàn phá dữ dội thành phố thứ hai của Nepal là Pokhara trong khi nhiều khu vực tại Kathmandu giờ chỉ còn là những đống đổ nát. Các hoạt động cứu hộ vẫn chưa bắt đầu ở một số vùng sâu vùng xa.

Một trong số những di sản văn hóa của đất nước bị phá hủy là tòa tháp Dharahara xây dựng năm 1832 cho nữ hoàng của Nepal và là một địa điểm du lịch của đất nước trong 10 năm qua.

Reuters cho biết một mảnh tường cao lởm chởm khoảng 10 mét là những gì còn sót lại của tòa tháp này. Khi kéo các thi thể ra khỏi đống đổ nát, một cảnh sát cho biết có tới 200 người bị mắc kẹt bên trong.

Lực lượng cứu hộ Nepal cũng lần tìm trong các đống đổ nát của các tòa nhà, một trong số đó là ngôi đền gỗ Hindu cổ xưa của người dân Nepal.

"Tôi có thể nhìn thấy thi thể 3 nhà sư bị mắc kẹt trong đống đổ nát của một tòa nhà bị sập, gần một tu viện" - khách du lịch người Ấn Độ Devyani Pant cho biết.

Ấn Độ có 44 người thiệt mạng vì trận động đất có tâm chấn tại Nepal cùng các dư chấn của nó và là quốc gia đầu tiên phản hồi các kêu gọi nhờ giúp đỡ của Nepal. Hiện Ấn Độ đã gửi máy bay quân sự, các đội cứu trợ và thiết bị y tế đến Nepal.

Hàng chục người leo núi Everest thiệt mạng


Một nhóm leo núi thuộc quân đội Ấn Độ đã tìm thấy 18 thi thể trên núi Everest sau khi trận động đất Nepal gây ra một trận lở tuyết lớn ở khu vực này. 

Khoảng 300.000 khách du lịch nước ngoài đến Nepal để trượt tuyết vào mùa xuân và mùa leo núi trên dãy Himalaya. Các quan chức Nepal cho biết họ choáng khi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ người thân và bạn bè các du khách nói trên.

Một số người leo núi đã dùng phương tiện truyền thông xã hội để gửi tin nhắn nhờ cứu giúp trong tuyệt vọng. Họ cảnh báo rằng nếu không được giúp đỡ sẽ có nhiều người chết hơn.

Nhà leo núi người Rumani Alex Gavan đăng tải trên Twitter rằng có một "trận động đất lớn, sau đó là lở tuyết rất lớn" tại một khu cắm trại ở Everest và buộc ông phải chạy thoát thân.

Trong một tin nhắn sau đó trên Twitter, ông Gavan kêu gọi tuyệt vọng khi nhờ một máy bay trực thăng đến và sơ tán những người leo núi bị thương: "Nhiều người đã chết. Nhiều người bị thương nặng hơn. Sẽ thêm nhiều người chết nếu trực thăng không đến nhanh".

Trận động đất tồi tệ nhất lịch sử Nepal hồi năm 1934 đã giết chết hơn 8.500 người.

Thế giới chung tay hỗ trợ Nepal

Các nước và các nhóm cứu trợ quốc tế ngày 25-4 nhanh chóng phản ứng trước trận động đất lớn tại Nepal.

AFP dẫn lời giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương của Hội Chữ thập đỏ quốc tế (IFRC) Jagan Chapagain cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa biết được quy mô thiệt hại nhưng đây có thể là một trong những trận động đất đẫm máu và tàn khốc nhất kể từ trận động đất tàn phá Nepal và Bihar năm 1934".

IFRC cho biết tổ chức này vô cùng lo lắng cho số phận của các làng nông thôn gần tâm chấn của trận động đất 7,8 độ Richter này.

"Đường sá bị hư hại hoặc bị chặn do lở đất ngăn cản chúng tôi tiếp cận chi nhánh Hội Chữ thập đỏ địa phương để có được thông tin chính xác" - Chapagain cho biết.

Mỹ và Liên minh châu Âu cam kết hỗ trợ cho chính phủ Nepal. Mỹ đang gửi một nhóm ứng phó thiên tai đến Nepal và ủy quyền một gói viện trợ ban đầu trị giá 1 triệu USD để giải quyết các nhu cầu trước mắt ở nước này.

Liên minh châu Âu cho biết các chuyên gia nhân đạo của họ cũng đang trên đường đến các khu vực khủng hoảng.

Các lãnh đạo thế giới như Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi những thông điệp chi buồn và cam kết hỗ trợ đến Nepal.

Anh, Tây Ban Nha và Na Uy cũng cam kết giúp đỡ Nepal. Na Uy hứa sẽ hỗ trợ 3,9 triệu USD cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Israel cũng gửi một đoàn viện trợ bao gồm đội ngũ y tá và bác sĩ đến Nepal.

Các tổ chức viện trợ khác cũng tìm cách có được thông tin về nhu cầu thiết yếu từ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi trận động đất quanh khu vực Himalaya.

Trong khi đó tổ chức cứu trợ Pháp Hành động để chống lại nạn đói (ACF) cho biết một nhóm của tổ chức này "đang trên đường đến các khu vực bị ảnh hưởng để đánh giá thiệt hại và các nhu cầu cần thiết".

Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo