Đồng franc tăng giá, doanh nhân Thụy Sĩ đau đầu
Vì sao Berne thả nổi đồng tiền ? Đâu là những hậu quả đối với du lịch, xuất khẩu của Thụy Sĩ ?
Từ tháng 9/2011 Berne quy định sàn tỷ giá hối đoái giữa đồng franc Thụy Sĩ với euro của châu Âu là 1,2 FS đổi lấy 1 €. Quyết định này được đưa ra vào lúc khủng hoảng của khối sử dụng đồng tiên chung châu Âu lên đến đỉnh điểm. Đồng franc được coi như một đơn vị tiền tệ an toàn. Berne giữ sàn tỷ giá như trên, tránh để xảy ra hiện tượng các nhà đầu tư ồ ạt bán euro và mua vào đồng franc. Đồng franc mà tăng giá thì sẽ gây trở ngại cho xuất khẩu chiếm tới 12 % GDP như Thụy Sĩ.
Để ghìm giá đồng franc như vậy thì Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (BNS) đã tốn kém rất nhiều. Chính vì thế, ngày 15/01/2015, Thống đốc BNS thông báo thả nổi đồng tiền, với lý do, đồng euro đang xuống giá so với đô la, và rủi ro đồng franc Thụy Sĩ bị đánh giá qua cao đã được giảm thiểu.
Hệ quả là chỉ trong vài giờ, đồng 1 franc đổi được gần 1 euro. Đơn vị tiền tệ của Thụy Sĩ tăng giá gần 30 % so với đồng tiền của châu Âu. Những người lao động Pháp ở sát biên giới Thụy Sĩ, làm việc tại Thụy Sĩ và lãnh lương bằng franc bỗng chốc thấy thu nhập của họ được tăng gần 30 % trong một ngày.
Có điều, các doanh nhân Thụy Sĩ đang lo vì đồng hồ « made in Switzerland » vốn được các ông nhà giàu Nga, Mỹ ưa chuộng bỗng chốc tăng giá gần 30 %. Ngành du lịch đau đầu vì khách hàng hủy chương trình tham quan Thụy Sĩ.
Ngân hàng UBS chờ đợi ngành xuất khẩu của Thụy Sĩ thất thu 5 tỷ đô la sau quyết định bất ngờ vừa qua của BNS. 80 % các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ của Thụy Sĩ sản xuất để bán hàng ra cho quốc tế - mà chủ yếu là để hướng về thị trường của Liên Hiệp Châu Âu, nhất là Đức, chứ không để phục vụ thị trường nội địa.
Lãnh đạo đảng Xã hội Thụy Sĩ Christian Levrat khẳng định với tỷ giá 1 franc đổi lấy 1 euro, hàng chục triệu người lao động Thụy Sĩ bị đe dọa mất việc làm. Chủ tịch tổng giám đốc hãng đồng hồ nổi tiếng Swatch, Nick Hayek thì nói tới một « trận sóng thần » đã thổi qua sứ này. Cùng ngày, cổ phiếu của Swatch mất giá mạnh trên thị trường tài chính.
Đồng franc Thụy Sĩ càng tăng giá thì chỉ số chứng khoán SMI ở Zurich càng tuột giảm : trong hai phiên giao dịch ngày 15 và 16/01/2015, chỉ số SMI theo thứ tự giảm 12 % rồi 7 %.
Tại Vacxava, nơi khoảng 700.000 hộ gia đình đang nắm giữ tín dụng địa ốc tính bằng đồng tiền Thụy Sĩ, đồng tiền Ba lan lập tứng mất giá 20 % so với đồng franc. Chứng khoán Ba Lan mất giá hơn 2 %.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào sẽ khắc phục được hậu quả tai hại của việc đồng tiền tăng giá. Bộ trưởng Tài chính Eveline Widmer-Schlumpf cho rằng Thụy Sĩ sẽ dễ dàng vượt qua được khó khăn do tình trạng tài chính của các doanh nghiệp ngày nay vững chắc và tốt hơn nhiều so với thời điểm của năm 2011.
Có điều ngành công nghệ đồng hồ và kim hoàn của Thụy Sĩ đang đương đầu với nhiều thử thách. Nga và Trung Đông, hai thị trường quan trọng đều đang trải qua khủng hoảng, do bất ổn về địa chính trị và do giá dầu hỏa tuột giảm. Doanh thu tại Châu Á chựng lại, phần nào do chính sách « đả hổ diệt ruồi » để bài trừ tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
Không chỉ có các hãng đồng hồ hay các hiệu kim hoàn nổi tiếng ở Genève bị tác động, mà ngay cả các tập đoàn ngân hàng tài chính Thụy Sĩ cũng đang lo. Nhiều nước ở Đông Âu như Hungary, Ba Lan hay Croatia đi vay tín dụng bằng đồng franc. Đơn vị tiền tệ của Thụy Sĩ mà tăng giá, thì nhiều con nợ bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Cũng ngân hàng UBS giảm dự phóng tăng trưởng của Thụy Sĩ cho năm nay, đang từ 1,8 % xuống còn 0,5 %.
End of content
Không có tin nào tiếp theo