Động lực khiến ông Kim Jong-un thay đổi 180 độ về vấn đề hạt nhân
Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng phi hạt nhân hóa sau nhiều năm tập trung phát triển và cải thiện năng lực hạt nhân kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2011 đã khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ. Giới phân tích ở Hàn Quốc cho đến nay vẫn tập trung vào 3 nhận định chính, cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự nghiêm túc về việc đánh đổi chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự thừa nhận về mặt ngoại giao cũng như phát triển kinh tế.
Động lực đầu tiên liên quan tới quan điểm lịch sử. Triều Tiên đã tự đề ra chiến lược của nước này nhằm đạt được cái gọi là “sự tồn tại và phát triển trong thế kỷ 21”, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường quốc tế từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực trong những năm gần đây, Triều Tiên cũng muốn duy trì và củng cố sự độc lập của nước này với “chiến lược cân bằng” bằng cách kéo Mỹ vào mối quan hệ địa chính trị hạt nhân, đồng thời sử dụng Washington như một lực lượng đối trọng với Bắc Kinh. Ngoài ra, Triều Tiên cũng muốn cải thiện quan hệ với Mỹ để tăng cường tốc độ phát triển kinh tế bằng cách mở cửa với thế giới bên ngoài và tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh tế với cộng đồng quốc tế.
Để thực hiện chiến lược trên, Kim Yong-sun, lãnh đạo phụ trách các vấn đề quốc tế của đảng Lao động Triều Tiên, đã tổ chức cuộc gặp cấp cao với Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao Mỹ Arnold Kantor hồi tháng 1/1992 tại New York. Ông Kim Yong-sun khi đó đã bày tỏ mong muốn được ký một hiệp ước hòa bình, đồng thời bình thường hóa quan hệ trước khi đạt được mục tiêu chung sống hòa bình với Mỹ.
Chính sách này của Triều Tiên từ đó đến nay không thay đổi và vẫn còn nguyên giá trị ở thời điểm hiện tại. Điều đó đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ không từ bỏ nỗ lực để “cải thiện quan hệ với Mỹ” chừng nào nước này vẫn xem đây là sự cần thiết về mặt chiến lược và địa chính trị.
Động lực thứ hai liên quan tới sự đối lập giữa “vũ khí hạt nhân và nền kinh tế”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn cải thiện nền kinh tế của Triều Tiên. Tuy nhiên vấn đề đặt ra bây giờ là nếu không chấp nhận phi hạt nhân hóa, ông sẽ không thể cải thiện nền kinh tế do các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố Washington nhất trí dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên nếu nước này từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân. Theo đó, với sự trợ giúp của Mỹ, nền kinh tế Triều Tiên có thể phát triển thịnh vượng, thậm chí “sánh ngang” với Hàn Quốc. Đây là một lựa chọn hợp lý đối với Triều Tiên và ông Kim Jong-un sẵn sàng phi hạt nhân hóa nếu điều đó mang lại nhiều lợi ích hơn cho Triều Tiên so với việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Động lực thứ ba liên quan tới tuổi tác của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Kim năm nay 35 tuổi và có thể nắm quyền thêm 50 năm nữa nếu ông muốn. Trong 50 năm đó, ông chắc chắn không muốn lãnh đạo một đất nước Triều Tiên, dù sở hữu vũ khí hạt nhân song vẫn ở trong tình trạng nghèo nàn.
Vai trò của hai nhà lãnh đạo
Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên sẵn sàng gặp mặt song phương với Triều Tiên trong lịch sử 25 năm đàm phán hạt nhân giữa hai nước. Sau khi được Washington “bật đèn xanh”, ông Kim Jong-un cho thấy sự sẵn sàng trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân thông qua kế hoạch mặc cả lớn để đổi lấy việc Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với Triều Tiên, ký kết hiệp ước hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Chính sách “tấn công quyến rũ” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong mối quan hệ với Mỹ có thể hiểu là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu do Triều Tiên đặt ra từ hàng chục năm trước đây. Chính sách vừa đảm bảo về an ninh vừa phát triển kinh tế đã được Triều Tiên duy trì liên tục từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc Bình Nhưỡng tuyên bố đã hoàn thiện chương trình hạt nhân và sở hữu sức mạnh răn đe hạt nhân nhằm vào Mỹ có thể coi là chất xúc tác lôi kéo Washington ngồi xuống bàn đàm phán với Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cho thấy vai trò chủ đạo của ông trong việc thúc đẩy bầu không khí hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp kéo dài 12 giờ đồng hồ được phát trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjeom đã thay đổi cách nhìn của nhiều người về ông Kim Jong-un. Đối với những người xem ông Kim Jong-un như một nhà lãnh đạo khó đoán tại một quốc gia bí ẩn, những hành động và ngôn ngữ của ông tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã thực sự “gây sốc”, thậm chí không được kỳ vọng sẽ diễn ra.
Theo một số quan chức Mỹ từng tiếp xúc trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó có Ngoại trưởng Pompeo, Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un đã thực sự thay đổi. Ông Pompeo nói rằng Mỹ đang có trong tay “cơ hội chưa từng có” để có thể thay đổi bối cảnh lịch sử trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump thông báo ông sẽ có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12/6 tại Singapore. Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống đương nhiệm của Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo