Đồng Nai: Vẫn chưa tiếp cận được gói 30.000 tỷ
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai, cho biết hiện vẫn chưa có cá nhân nào trong tỉnh Đồng Nai tiếp cận được gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vì không có sản phẩm cho người mua lựa chọn
(TTXVN) Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, việc triển khai các dự án thí điểm nhà ở xã hội trong tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể như việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội dù Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn nhưng thủ tục vẫn còn rất phức tạp và kéo dài khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Chẳng hạn như Công ty cổ phần đầu tư Phúc Đạt (tỉnh Bình Dương) là đơn vị đầu tiên thực hiện chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội tại Đồng Nai. Tuy dự án sau chuyển đổi không tăng diện tích sàn, chỉ điều chỉnh về cơ cấu căn hộ nhưng doanh nghiệp phải thực hiện lại hàng loạt thủ tục như điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, lấy ý kiến thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, chấp thuận đầu tư theo Nghị định 71/2010/NĐCP, cấp lại giấy phép xây dựng...
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến Đồng Nai chưa triển khai gói tín dụng trên là do chủ đầu tư khó chứng minh năng lực tài chính, tính khả thi của dự án, các quy định gây nhiều vướng mắc cho việc triển khai gói tín dụng.
Đối với các dự án nhà ở xã hội, ngân hàng chỉ cho doanh nghiệp vay vốn để trả các chi phí phát sinh kể từ ngày 7/1/2013, còn các phần thi công trước đó không được tính.
Ngoài ra, ngân hàng chỉ cho vay mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá thành tối đa 15 triệu đồng/m2. Trường hợp hộ gia đình có nhiều nhân khẩu nhưng chỉ được mua nhà dưới 70m2 mới được hỗ trợ là bất hợp lý.
Về khách hàng cá nhân, theo quy định, ngân hàng chỉ cho vay nếu người dân có hợp đồng mua nhà ở xã hội được ký sau ngày 7/1/2013 nhưng trên địa bàn tỉnh lại không có trường hợp nào nằm trong điều kiện này.
Từ đầu năm 2013 đến nay, ở Đồng Nai vẫn chưa có sản phẩm nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 được đưa ra thị trường.
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp giải quyết các vướng mắc trong việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng qua đó, đã có nhiều ý kiến đóng góp về những khó khăn khi áp dụng vào thực tế, như Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn chỉ xác nhận về tình trạng nhà ở của hộ gia đình nên cá nhân có chung hộ khẩu với gia đình lại khó đủ căn cứ để xác định điều kiện chưa có nhà ở.
Trong khi đó, quy định nhà ở xã hội dưới 70m2 không phù hợp với những gia đình có đông nhân khẩu.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện toàn tỉnh chỉ có 118 căn hộ chung cư tồn kho đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất về nhà ở xã hội (diện tích dưới 70m2, giá bán không quá 15 triệu đồng/m2).
Báo cáo của Sở Kế hoạch-đầu tư tỉnh Đồng Nai cho thấy, hiện tổng giá trị tồn kho bất động sản trên địa bàn tỉnh vào khoảng hơn 5.000 tỷ đồng trong đó, tồn kho nhiều nhất là đất nền nhà ở và đất nền thương mại với trên 2 triệu m2 (chiếm tỷ lệ 65%).
Diện tích tồn kho của văn phòng cho thuê là gần 14.000m2, giá trị 257 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại địa bàn thành phố Biên Hòa. Ngoài ra, tồn kho căn hộ chung cư gần 1.100 căn; nhà thấp tầng 185 căn với tổng trị giá gần 1.500 tỷ đồng./.
Lê Hiền
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Cột tin quảng cáo