Thị trường

Đông Nam Bộ: Kết nối cung - cầu để tiêu thụ nông sản

Sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ khá dồi dào, đa dạng với sản lượng cao. Song vấn đề tiêu thụ nông sản luôn là nỗi lo đối với nhà nông. Để giúp nông dân yên tâm sản xuất, vấn đề quan trọng là phải có thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết “đầu ra”, kết nối cung - cầu hợp lý…

Liên kết lỏng lẻo, do đâu?

Đến thăm trang trại chăn nuôi heo của gia đình bà Lê Thị Tuyết Linh, ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi ngỡ ngàng khi trang trại rộng hơn 3.000m2 nhưng lại đang “treo chuồng”. Cuối năm 2015, gia đình bà Linh vay vốn ngân hàng hơn một tỷ đồng xây dựng mới khu trang trại với nhiều hy vọng.

Tuy nhiên, ngay từ lứa heo đầu tiên, gia đình bà đã thua lỗ hơn 900 triệu đồng vì giá bán heo thịt quá thấp. Bà Linh cho biết: “Không còn vốn để duy trì đàn heo nên chuồng trại đành để không. Đối với người chăn nuôi như chúng tôi, quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ, ổn định được đầu ra với giá hợp lý mới có thể tiếp tục chăn nuôi. Thế nhưng, giá thịt heo hơi lên xuống thất thường, thậm chí xuống đáy nên thua lỗ là điều khó tránh”.

Quảng bá nông sản tại chợ phiên Tp. Hồ Chí Minh để kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Đó là tình trạng thường thấy đối với nhiều loại hàng nông sản. Nhìn nhận nghịch lý này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng: "Đây là hậu quả của việc liên kết lỏng lẻo giữa sản xuất và tiêu thụ. Nhiều mặt hàng chưa ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp (DN); trong khi đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn (NNNT) còn rất hạn chế. Nhà nông vẫn luôn thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm và thiếu sự bảo trợ, bao tiêu của DN.

Lâu nay, điệp khúc “giải cứu” nông sản vẫn lặp đi lặp lại không chỉ ở các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ mà ở nhiều địa phương trên cả nước. Một số loại nông sản, ngay cả nông sản thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP cũng khó tiêu thụ bởi thiếu thị trường, cung vượt quá cầu và cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến rớt giá.

Theo ông Nguyễn Văn Ánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu hạt điều và hàng nông sản, thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro vì dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn chậm; điều kiện sản xuất của người dân chưa cao, thiếu độ tin cậy… nên DN “ngại” đầu tư sản xuất với nông dân, nhất là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Bởi vậy, sự liên kết DN với nhà nông để tiêu thụ sản phẩm thiếu chặt chẽ.

Mở rộng kết nối, hỗ trợ nhà nông

Thực trạng trên cho thấy, rõ ràng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với DN để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ gốc và điều tiết sản xuất thích hợp. Vấn đề là, phải có cầu nối DN với nhà nông, người sản xuất với người tiêu dùng để tiêu thụ sản phẩm. Tại Chợ phiên nông sản lần thứ 7 mới đây, Hội Nông dân Tp. Hồ Chí Minh chủ động phối hợp tổ chức triển lãm, quảng bá các mặt hàng nông sản của 16 tỉnh, thành phố với các DN và xác định rõ vai trò kết nối của hội. Việc làm này nhận được sự đồng thuận cao và mở ra cơ hội mới cho tiêu thụ nông sản ở khu vực Đông Nam Bộ.

 

Ông Võ Đông Triều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chăn nuôi gà Tân Mỹ (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng vì sự vào cuộc của hội nông dân và cơ quan trung gian nhằm gắn kết sản xuất với tiêu thụ. Theo tôi, hình thức tiêu thụ được xem an toàn nhất cho nông dân hiện nay là thông qua hợp đồng, liên kết sản xuất với DN”. Hiện tại, Hợp tác xã chăn nuôi gà Tân Mỹ đã ký kết hợp đồng với Công ty gà giống Đại Việt (Bình Dương). Theo đó, công ty cung cấp gà giống cho các xã viên thực hiện nuôi theo quy trình VietGAP. Sau 4 tháng, công ty thu mua gà thịt với giá thỏa thuận từ đầu. Việc ký hợp đồng cung cấp gà giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm giúp xã viên giảm chi phí, ổn định đầu ra, yên tâm lao động, sản xuất.

Những thuận lợi rõ rệt từ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thấy, các ngành chức năng, cơ quan quản lý, như: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở công thương, hội nông dân cần chủ động làm cầu nối giữa DN với nhà sản xuất (nông dân) và người tiêu dùng nhằm hỗ trợ nhau thì sản xuất nông nghiệp mới ổn định, phát triển.

Ông Trần Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội nông dân Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian qua, hội đã kết nối được khá nhiều DN với hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất để đầu tư, bao tiêu khép kín sản phẩm nông nghiệp. Các DN cũng tích cực mở rộng thị trường, tăng cường tìm kiếm đối tác tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ngay trong thời gian diễn ra Chợ phiên nông sản lần thứ 7, hội đã làm cầu nối ký kết tiêu thụ nông sản với 4 công ty và nhiều trung tâm xúc tiến, đầu tư thương mại. Kết quả này thiết thực giúp người dân giảm bớt nỗi lo về thị trường đầu ra”.

Nên đọc
Theo Quân đội nhân dân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo