Với quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17%, NHTƯ Nga đã có hành động quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng thấy để ngăn chặn đà mất giá của đồng Ruble kể từ khi giá trị đồng tiền này sa sút.
Trong thời gian vừa qua, đồng Ruble của Nga chịu áp lực ghê gớm từ nhiều phía. Trước cuộc khủng hoảng ở Ucraine, kinh tế Nga tăng trưởng trì trệ và không ổn định. Liên quan đến chuyện xảy ra ở Ucraine, Nga bị Mỹ, EU và một vài đồng minh khác áp dụng những biện pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính và thương mại. Giá dầu lửa trên thị trường thế giới lại giảm liên tục, nhanh và mạnh. Công nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu lửa lại đóng vai trò rất quan trọng trong kinh tế và thu nhập của Nga. Tất cả những chuyện ấy đã đẩy kinh tế Nga vào tình cảnh hết sức không thuận lợi, tăng trưởng giảm và những dấu hiệu đầu tiên về suy thoái kinh tế đã bắt đầu xuất hiện. Trong bối cảnh tình hình ấy, đồng tiền của Nga dễ dàng trở thành đối tượng và nạn nhân của các hoạt động đầu cơ. Sự mất giá nhanh chóng của đồng Ruble có nguyên cớ của nó.
Đồng tiền mất giá gây ra nguy cơ tăng lạm phát cho dù xuất khẩu có lợi mỗi khi đông tiền bị yếu đi. Tăng lãi suất cơ bản là một trong những biện pháp chính sách kinh điển để chống lạm phát, nhưng hậu quả là kìm hãm phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Để thoát được ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, chính phủ và NHTƯ phải có sự can thiệp đúng mức vào đúng thời điểm. Cho tới nay, cả chính phủ Nga lẫn NHTƯ Nga đều có động tác đối phó với sự mất giá của đồng Ruble, nhưng đều chưa thật triệt để và mạnh mẽ để có được hiệu quả thiết thực và hiệu ứng tâm lý cần thiết.
Mức độ lãi suất cơ bản được NHTƯ Nga vừa nâng cho thấy hai thông điệp. Thứ nhất, tình hình kinh tế, tiền tệ và cả xã hội ở Nga diễn biến bất lợi đến mức chính phủ Nga và NHTƯ Nga nhận thấy buộc phải hành động mạnh mẽ hơn. Thứ hai, mục tiêu hàng đầu của việc nâng lãi suất cơ bản này không phải là cái gì khác ngoài trấn an tâm lý của công chúng và thể hiện quyết tâm ổn định giá trị tiền tệ.
Không thể phủ nhận tác động tai hại của việc đồng Ruble bị mất giá đối với nước Nga. Mỹ, EU và những đồng minh sẽ lợi dụng tình thế khó khăn hiện tại của Nga để gây thêm khó khăn cho Nga. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ vừa tiếp tục xiết chặt những biện pháp trừng phạt Nga. Nhưng mặt khác cũng lại không thể không thấy Nga vẫn có khả năng để xoay chuyển tình hình. Nga có dự trữ ngoại tệ rất lớn và có thể sử dụng nó để góp phần ổn định giá trị tiền tệ. Chính phủ và NHTƯ Nga chưa sử dụng hết những biện pháp hành chính và về chính sách tiền tệ vốn vẫn thường được áp dụng để đối phó với biến động tiền tệ. Nga hiện cũng không thiếu đối tác về kinh tế, tài chính và thương mại sẵn sàng giúp hoặc đang hợp tác vì lợi ích của họ nhưng cũng cả với tác động giúp Nga đối phó những biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU và đồng minh của họ.
Tai hại nhưng chưa phải là tai hoạ đối với Nga. Tới đây sẽ như thế nào ở Nga phụ thuộc vào bản chất và mức độ những bước đi tiếp theo của chính phủ và NHTƯ Nga. Sự phục hồi giá trị của đồng Ruble sẽ không dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng thật ra vấn đề không phải là trở lại giá trị cũ mà là ổn định giá trị tiền tệ.
Theo DDDN