Động vật hoang dã thành… quà biếu, đồ trang trí
Giá đắt vẫn… mua
Hành vi tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD của người tiêu dùng ở TP.Hà Nội chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chữa bệnh, trang trí... Kết quả khảo sát về “Nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã tại TP.Hà Nội” do Viện Xã hội học thực hiện cho thấy, việc sử dụng và tiêu thụ sản phẩm ĐVHD là hiện tượng tương đối phổ biến trong nhóm tuổi từ 20 đến 69 ở TP. Hà Nội. Tỷ lệ người trả lời đã từng sử dụng ĐVHD vào các mục đích như: Thực phẩm chiếm 69%, làm thuốc 67% và đồ trang trí gần 12%.
Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù các sản phẩm từ ĐVHD có giá thành đắt, thậm chí rất đắt nhưng người tiêu dùng vẫn muốn sử dụng các sản phẩm này vì họ tin tưởng vào hiệu quả của chúng. Người dân vẫn có niềm tin rằng các sản phẩm từ ĐVHD như: mật gấu; cao hổ; cao trăn; tay gấu… là những vị “thần dược” chữa được nhiều bệnh tật. Các loài ĐVHD được tiêu thụ dưới dạng thực phẩm khá phong phú, nhiều nhất là rắn, trăn, hươu, nai… thậm chí có cả những loài đang thuộc diện nguy cấp cần được bảo tồn. Khi ĐVHD là một món hàng đắt, khan hiếm thì ngay lập tức người ta sử dụng vào mục đích là đem đi… biếu, tặng, làm quà. Ghi nhận, hành vi sử dụng ĐVHD hầu hết là tự phát, ví dụ như được cho, tặng, biếu hoặc được bạn bè, người thân mời.
Việc tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD không chỉ dừng lại ở nhóm có thu nhập hay có địa vị xã hội. Trong số những người trả lời đã sử dụng sản phẩm từ ĐVHD trong 12 tháng (đến thời điểm nghiên cứu) thì những người kinh doanh, buôn bán nhỏ và người cao tuổi, hưu trí là các nhóm chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm này do chiếm tỷ trọng cao trong toàn bộ dân số.Tỷ lệ người đã từng sử dụng thực phẩm, thuốc và đồ trang trí làm từ ĐVHD lần lượt là 69%, 67% và 12%. Một trong các phát hiện đáng lo ngại từ cuộc khảo sát là một số lượng lớn người được hỏi nói rằng họ sẽ sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD nếu có cơ hội hoặc nếu họ thấy cần thiết trong tương lai.
Cần có những chế tài thật nghiêm khắc
Trong báo cáo rà soát khung pháp lý và chính sách về quản lý, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, và khảo sát kiến thức pháp luật quy định về bảo vệ ĐVHD còn nhiều hạn chế, gần 35% ý kiến được khảo sát cho rằng, pháp luật Việt Nam chưa quy định xử phạt người tiêu thụ sản phẩm ĐVHD, 62% cho rằng chưa có ai tiêu thụ sản phẩm ĐVHD bị xử phạt và 2/3 số người được hỏi cho rằng mức xử phạt tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD theo pháp luật còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Từ kết quả nghiên cứu đó, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng thảo luận về khung pháp lý và chính sách quản lý bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Theo đó, các ý kiến đều có chung quan điểm, do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, thiếu văn bản hướng dẫn xử lý hình sự. Thực tế, chưa có văn bản hướng dẫn quy trình kỹ thuật cụ thể và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong hoạt động cứu hộ ĐVHD.
Các chuyên gia đã cùng đưa ra các khuyến nghị cụ thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý khai thác và buôn bán ĐVHD, khắc phục các điểm chưa hợp lý. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh kiểm tra các hoạt động về cứu hộ, tái thả và nguồn gốc ĐVHD; ban hành các quy định về hướng dẫn kỹ thuật, trình tự, thủ tục, nâng cao nhận thức và tăng cường sự hỗ trợ của cộng đồng và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc tuân thủ và cưỡng chế pháp luật. Cần ban hành các quy định về hướng dẫn kỹ thuật, trình tự, thủ tục đối với cơ sở gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, không khuyến khích gây nuôi vì mục đích thương mại; cần hướng tới việc thiết lập cơ chế quỹ cho việc quản lý và bảo tồn ĐVHD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo