Đốt xe Fortuner nghi bắt cóc trẻ em: Chuyên gia tội phạm nói gì?
Mới đây, tại Hải Dương, dân đã vây bắt, giữ một người đàn ông mà họ nghi có hành vi thôi miên bắt cóc trẻ em. Chiếc xe ôtô Fortuner của người đàn ông này đã bị đập phá, sau đó đốt cháy. Cũng rất may là Công an đã có mặt kịp thời để giải quyết, nếu không, tính mạng của anh ta sẽ ra sao? Tương tự, đã có những vụ việc trước đó đã xảy ra, người bị tình nghi bắt cóc trẻ em bị bắt giữ, đánh đập, truyền trực tiếp lên mạng,... nhưng cuối cùng thì không phải, họ chỉ là những người bị tâm thần, đi lạc hoặc không có ý đồ xấu.
Sự manh động này khiến người ta liên tưởng đến các hành vi “tự xử” của dân chúng đối với những kẻ trộm chó, bắt giữ, đánh đập, đốt xe máy, thậm chí có trường hợp bị đánh đến chết. Tất nhiên, hành vi vi phạm pháp luật này của số đông đã phải trả giá bằng tù tội. Cho đến nay, nạn trộm chó đã bớt hoành hành song vẫn tiếp diễn với sự liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống trả quyết liệt những người phát hiện ra chúng, đã có người chết bởi những hung khí man rợ của bọn trộm chó, báo PLVN đưa tin.
Theo Đại tá PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, việc người dân quá khích, tự xử như vụ việc nêu trên là biểu hiện của yếu tố lây lan tâm lý đám đông, có hiệu ứng từ mặt trái của mạng xã hội.
“Khi sự việc bị thổi phồng một cách không kiểm chứng kiểu một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều người dân tưởng thật dẫn tới sự lo lắng thái quá nên có hành động đề phòng, cảnh giác quá mức, nghi ngờ thiếu căn cứ. Chính vì thế mới xảy ra chuyện người bình thường đi mua bán hàng hóa, đi phun thuốc diệt muỗi, đi xin việc làm… cũng bị nghi bắt cóc trẻ em và bị đánh oan” – PGS.TS Thìn nói.
Vẫn theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, việc người dân tự xử là biểu hiện của sự xuống cấp về mặt nhận thức pháp luật.
“Người dân bị lây lan tâm lý hội chứng đám đông cộng với sự kém hiểu biết pháp luật dẫn tới những hành vi tiêu cực mang tính bộc phát, không nhận ra hậu quả tiêu cực cho bản thân, cho người khác cũng như xã hội. Hiện tượng này lan rộng là một điều hết sức đáng lo ngại” Đại tá Thìn băn khoăn.
Theo tin tức trên báo Dân Việt, đồng quan điểm với PGS.TS Thìn, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội bổ sung thêm: Những vụ người dân nghi ngờ và tự xử cũng giống như những vụ bà con đánh chết đối tượng trộm chó trước đó. Nếu hiện tượng này không được ngăn chặn để lan rộng thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.
Ông cho rằng, để ngăn ngừa hiện tượng trên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có biện pháp tuyên truyền để người dân biết thượng tôn pháp luật. Để làm được hiệu quả cần phát huy vai trò của những thiết chế từ gia đình, dòng tộc, đến tổ chức chính trị - xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo