Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ nhượng cho đối tác ngoại
Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) vừa đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng Hợp đồng BOT Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho nhóm đối tác nước ngoài.
Cụ thể, Vidifi xin chuyển nhượng tuyến cao tốc dài 105 km, đang trong quá trình thi công cho nhóm các nhà đầu tư gồm IL&FS Transportation Networks Limited (ITNL); Strategic Alliance Holdings (SAHI) và Tung Shing Groups (Tung Shing).
Được biết, trong số 3 nhà đầu tư này, đáng chú ý nhất là ITNL. Nếu thông tin mà ITNL tự giới thiệu trên website có địa chỉ tại http://www.itnlindia.com là chuẩn xác, thì đây là nhà đầu tư phát triển hạ tầng lớn nhất tại Ấn Độ. Có trụ sở tại Mumbai, đầu tư và khai thác khoảng 10.000 km đường bộ theo hình thức BOT, ITNL còn đang theo đuổi một số dự án đầu tư hạ tầng tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Mỹ La tinh.
Hai nhà đầu tư khác ít tên tuổi hơn trong tổ hợp là SAHI – hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có trụ sở tại Philippines và Tung Shing có trụ sở đăng ký hoạt động tại Bristish Virgin Islands.
Được biết, Vidifi đã cho phép nhóm các nhà đầu tư này nghiên cứu và tìm hiểu về Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nhằm đi đến việc hợp tác đầu tư. Đến thời điểm này, Vidifi và nhóm nhà đầu tư đã ký bản ghi nhớ cùng nhau thành lập một pháp nhân mới dưới hình thức công ty cổ phần để tiếp nhận lại Dự án cũng như các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT hồi đầu tháng 10/2014 do Chủ tịch Vidifi Đào Văn Chiến ký, chủ đầu tư Dự án cho biết là, hai bên đang khẩn trương đàm phán về hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng công trình nói trên và sẽ sớm có báo cáo chính thức lên Thủ tướng Chính phủ.
“Nếu được chấp thuận, Vidifi sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với tổ hợp nhà đầu tư vào cuối tháng 10/2014”, ông Chiến cho biết.
Mặc dù không tiết lộ những điều khoản cơ bản hợp đồng, trong đó có việc giá trị chuyển nhượng sẽ được xây dựng trên cơ sở tổng mức đầu tư được phê duyệt vào năm 2008 là 24.566 tỷ đồng hay mức đã được điều chỉnh là 45.522 tỷ đồng đang được Vidifi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đây là thông tin rất quan trọng, bởi cùng với việc cập nhật tổng mức đầu tư, hiện Vidifi đang xin bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho Dự án.
Trước đó, theo phương án tổng mức đầu tư là 24.566 tỷ đồng, Dự án được hoàn vốn bằng nguồn thu phí trên chính tuyến và Quốc lộ 5; thu từ kinh doanh các khu đô thị, khu công nghiệp dọc tuyến và các nguồn thu khác trong thời gian 30 năm.
Đánh giá cao đề xuất của Vidifi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, nếu thương vụ này thành công, thì đây sẽ là công trình hạ tầng đầu tiên tại Việt Nam được chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, thương vụ này cũng sẽ mở lối thoát cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong việc cơ cấu lại cổ đông và tỷ lệ vốn góp với mục tiêu rút toàn bộ phần vốn góp bổ sung tại Vidifi để tập trung vào nhiệm vụ chính của ngân hàng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2405/TTg – KTN.
Sau góp bổ sung phần vốn góp của các cổ đông khác xin rút (25,8%), hiện số vốn góp của VDB tại Vidifi – doanh nghiệp được thành lập với nhiệm vụ chính là đầu tư Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 76,8% trong tổng số 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được xây dựng với quy mô 6 làn xe hiện là tuyến đường bộ có tính khả thi cao nhất ở khu vực phía Bắc hiện nay. Khi hoàn thành tuyến đường vào năm 2015, tuyến sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội xuống các cảng cửa ngõ ở Hải Phòng từ 3 giờ xuống còn hơn 1 giờ.
Bên cạnh đó, với vai trò là chặng cuối cùng của tuyến hành lang quan trọng của tiểu vùng Mê Kông từ Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng hiện đang dần được khép kín, nên chắc chắn, sẽ có sự bùng nổ về lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến cao tốc tương lai, nhất là, khi cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) được đưa vào khai thác trong năm 2016.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng