Pháp luật

Dự án đổ 1 triệu tấn bùn thải xuống biển: Mạo danh nhà khoa học?

Dự án đổ 1 triệu tấn bùn thải tại biển Hòn Cau, Bình Thuận vừa được Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 thực hiện đã có sự mạo danh các nhà khoa học?

Theo tin tức ban đầu, ngày 23/6, sau khi thẩm định hồ sơ, lấy ý kiến nhiều bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm hơn 918.500 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10, báo Tiền phong đưa tin.

Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là âm 36 m. Giấy phép ghi rõ, khi phát hiện việc vận chuyển vật, chất nhận chìm không đúng vị trí hoặc các kết quả thông số quan trắc vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng biển thì Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động cho đến khi có giải pháp, được Bộ TN&MT chấp nhận.

Tên TS An được ghi đứng đầu danh sách những chuyên gia thực hiện dự án.

Liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát trên biển Vĩnh Tân, ông Phan Ngọc Cẩm Thành cho biết Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã và đang triển khai hệ thống phao quay và màn chắn bùn ở vị trí nhận chìm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Pháp luật TP. HCM là lúc nào thì dự án nhận chìm bắt đầu hoạt động, ông Thành cho biết tùy theo quyết định của Bộ TN&MT và hiện nay Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đang triển khai các công tác chuẩn bị theo yêu cầu của giấy phép số 1517/GP-BTNMT ký ngày 23/6 của Bộ TN&MT.

Dự án khiến nhiều người lo ngại khi rất có thể sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường biển Việt Nam. Đáng chú ý, dự án đổ bùn thải nạo vét luồng lạch, liên quan đến Nhà máy Nhiệt điệt Vĩnh Tân 1 tại Bình Thuận, liệt kê danh sách những thành viên tham gia, gồm 14 người. Đứng đầu danh sách là "Nguyễn Tác An, học hàm/học vị/chuyên ngành: Tiến sĩ hải dương học, đơn vị công tác: Viện Hải dương học Nha Trang”. 

Ngoài TS An, còn có PGS-TS Trương Văn Bốn, Giám đốc Trung tâm nhiên cứu Động lực cửa sông và ven biển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ThS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam...   

ThS Lê Thị Vân Linh công tác tại Viện Kỹ thuật biển, ThS Phạm Xuân Phong - Trung tâm nghiên cứu động lực cửa sông và ven biển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam...

 

TS Nguyễn Tác An hết sức ngỡ ngàng khi thấy có tên mình trong danh sách được cho là những nhà khoa học thực hiện bản “dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1” của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, báo Pháp luật TP. HCM đưa tin.

TS Nguyễn Tác An khẳng định từ trước đến nay chưa hề có bất cứ một đơn vị, cá nhân nào mời ông tham gia lập dự án nhận chìm trên. “Tôi là thành viên hội đồng phản biện nhà nước. Nếu họ có mời, chắc chắn tôi cũng không tham gia. Từ khi có thông tin xin nhận chìm chất nạo vét xuống biển, rồi Bộ TN&MT cấp phép đến nay, tôi chỉ tham gia phản biện trên báo chí” - TS Nguyễn Tác An khẳng định.

ThS Vân Linh cho biết mình có tên trong danh sách thành viên dự án nhận chìm bùn ở Vĩnh Tân nhưng thực sự không hề tham gia và cũng chưa được ai hỏi ý kiến và khi đọc báo mới biết.

Trả lời câu hỏi này, ThS Vân Linh cho biết cá nhân mình và Viện Kỹ thuật biển đều không liên quan đến dự án này. Chưa hề có ai tiếp xúc, đặt vấn đề hay hỏi ý kiến.

Không chỉ TS An, ThS Vân Linh, một chuyên gia khác là ThS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam, cũng hết sức bất bình khi biết tên mình trong danh sách tham gia thực hiện dự án nhận chìm của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, báo Tầm nhìn đưa tin.

 

“Tôi mới biết việc này qua báo chí. Từ trước đến nay không hề có đơn vị, cá nhân nào liên lạc với tôi hay đặt vấn đề tham gia thực hiện dự án. Vậy mà, không hiểu vì sao tôi lại có tên trong danh sách” - ThS Trâm nói.

Như vậy, có thể nhận định, dự án đổ bùn  trình lên Bộ Tài nguyên - Môi trường để được cấp phép đã bị "méo mó", không trung thực và đã có dấu hiệu mạo danh nghiêm trọng.

Chiều 19/7, PV Pháp luật TP.HCM đã trao đổi ngắn với Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà về việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát xuống vùng biển Tuy Phong.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định rằng đây là một vấn đề phức tạp, cần phải có nhiều thời gian để trao đổi về mọi khía cạnh. “Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ tới đây, chúng tôi sẽ dành thời gian để nói về vấn đề này” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay. Nói thêm với PV, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Tôi đang chờ ý kiến, kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học. Sau đó sẽ trao đổi cụ thể”.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Tiền phong, Pháp luật TP. HCM, Tầm nhìn)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo