Dự án du lịch làm biến dạng đầm Thị Nại
San lấn, lấp đầm làm du lịch
Một khu vực rộng lớn dưới chân cầu Thị Nại (Bình Định)– cầu vượt biển dài nhất Việt Nam bắc qua đầm Thị Nại – đang bị biến dạng nghiêm trọng với ngổn ngang các công trường san lấn, lấp đầm.
Ở ngay sát chân cầu Thị Nại, hàng ngày, hàng chục xe tải, xe múc đua nhau chở cát từ khu kinh tế Nhơn Hội đến đổ xuống đầm. Hiện nay, khu vực bờ đầm phía đông bắc đã lấn sâu ra biển hàng trăm mét.
Ông Lê Tấn Đãng, ngụ xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, nói: “Từ ngày người ta đổ cát lấn sâu ra đầm, dòng chảy của sông Kôn và Hà Thanh trước khi đổ ra cửa biển có hiện tượng bị thay đổi, cửa biển Nhơn Hội cũng bị ảnh hưởng. Người dân chúng tôi đang lo khi có lũ lớn đổ về, hậu quả sẽ khó lường”.
Theo ban quản lý khu kinh tế Bình Định, khu vực đang san lấn, lấp đầm Thị Nại thuộc dự án trung tâm thương mại – dịch vụ – du lịch Nhơn Hội do công ty TNHH Quốc Thắng làm chủ đầu tư, dự án này được triển khai trên 74ha.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, phó ban quản lý khu kinh tế Bình Định cho biết, trong diện tích quy hoạch cho dự án trên có một phần được hình thành từ việc lấn, lấp đầm, do đó, thời gian qua, công ty TNHH Quốc Thắng đã ồ ạt đổ cát lấn sâu ra đầm Thị Nại.
Ông Toàn cũng thừa nhận trong dự án đã phê duyệt không có hạng mục xây dựng bờ kè kiên cố giữa đất liền và nước đầm, nhằm ngăn chặn đất cát sạt lở xuống đầm, do đó, cứ mỗi khi đất cát sạt lở đến đâu, công ty TNHH Quốc Thắng tiếp tục đổ cát lấn sâu tới đó.
Trong khi đó, trong quá trình công ty TNHH Quốc Thắng san lấn, lấp đầm, hầu như không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, giám sát, do đó, từ việc lấn, lấp đầm, đến nay, diện tích dự án trên đã tăng thêm 20ha so với phê duyệt ban đầu. “Do trong dự án ban đầu, phần diện tích lấn đầm không lớn, nên chúng tôi không buộc nhà đầu tư xây dựng hệ thống bờ kè ngăn sạt lở. Diện tích san lấp đầm nhỏ, nên chưa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh bao nhiêu, tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc thi công san lấp, cũng như quá trình thực hiện dự án trên”, ông Toàn nói.
Trong khi dự án trên đang gây ra những hệ luỵ nhãn tiền và chưa được xử lý, không hiểu sao tỉnh Bình Định lại tiếp tục cấp phép cho công ty TNHH Quốc Thắng thực hiện dự án khu biệt thự cao cấp Đại Phú Gia ở khu vực phía tây bắc cầu Thị Nại với tổng diện tích hơn 34ha, cũng giáp với mặt đầm.
Bồi lấp hệ thống cảng biển
Khu vực san lấn, lấp đầm Thị Nại nằm ở phía trên dòng chảy, hiện chỉ cách các cảng biển Quy Nhơn, Thị Nại, tân cảng miền Trung từ 1 – 1,5km, do đó, nguy cơ bồi lấp hệ thống các cảng biển này là điều khó tránh khỏi. “Do khu vực san lấp nằm sát cửa biển, nên sẽ làm thay đổi dòng chảy đổ ra biển của sông Kôn và sông Hà Thanh. Từ đó, cát theo các dòng chảy mới sẽ lấp dần đầm Thị Nại và bồi lấp các cảng biển trên”, một cán bộ là chuyên gia về thuỷ lợi ở sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định nhận định.
Tương tự, ông Lê Minh Tiến, phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên cảng Quy Nhơn cho biết: “Tốc độ bồi lấp của cảng Quy Nhơn đang diễn ra rất nhanh. Qua khảo sát, gần đây cảng biển này bị bồi lấp lên 1m, nhiều khu vực độ sâu bị mất đi đến 3m, trong khi trước đây mỗi năm chỉ bồi lấp từ 0,3 – 0,5m. Như vậy, trong tương lai không xa, ở cảng Quy Nhơn, các tàu có trọng tải từ 30.000 – 50.000 tấn sẽ khó có thể ra vào”.
Thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã cảnh báo những hậu quả khó lường khi san lấn, lấp đầm Thị Nại, làm bồi lấp tại các cảng biển ở Quy Nhơn. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xây dựng kè kiên cố ven đầm tại các khu vực có dự án du lịch, dịch vụ để ngăn chặn sạt lở, bồi lấp.
Ông Nguyễn Trung Thành, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Bình Định, cho biết: “Dự án trung tâm thương mại – dịch vụ – du lịch Nhơn Hội ven đầm Thị Nại đã có đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiểm tra việc lấn lấp đầm có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không”.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo