Xã hội

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Chất lượng rất kém, ai chịu trách nhiệm?

Trước thông tin dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã bị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện hàng loạt sai phạm, bớt xén hàng loạt hạng mục trong việc khảo sát, thiết kế, thi công… mà kinh phí đầu tư vẫn bị "đội" thêm 5.240 tỉ đồng, mới đây, TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có văn bản giải thích về những “cáo buộc” của KTNN về dự án này. Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia không đồng tình với giải thích này.

Mới chỉ yêu cầu kiểm điểm

Theo VEC, ngay sau khi nhận được thông báo kết quả kiểm toán, Bộ GTVT đã tổ chức họp và giao nhiệm vụ cho Vụ Khoa học công nghệ, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chỉ đạo VEC, TEDI làm việc với Bộ Xây dựng để ban hành định mức thi công cọc cát mã số AC.24000 ban hành kèm theo Quyết định số 24/2005/QĐ-BXD, báo cáo Bộ GTVT để có hướng giải quyết vấn đề định mức giếng cát của dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình nói riêng và ở các dự án xây dựng công trình giao thông nói chung.
 
VEC cũng thông báo: Đã chỉ đạo các đơn vị và tổ chức nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm cho các dự án đang và sẽ triển khai, đồng thời ban hành chỉ thị số 327/CT-VEC ngày 6.2.2014 để chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư, đồng thời cũng gửi văn bản yêu cầu các đơn vị hoàn thành việc khắc phục các tồn tại được nêu trong báo cáo kiểm toán trước ngày 10.5.2014.
 
Đối với các sai lệch (khoảng gần 311 tỉ đồng) nghiệm thu, thanh toán được kiểm toán xác định, VEC cho rằng: Đó là để tạo điều kiện cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nên VEC thực hiện tạm ứng, tạm thanh toán một số khối lượng hạng mục cho nhà thầu, các khối lượng thi công được chuẩn xác ở bước hoàn công. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu không được kiểm toán phát hiện thì khoản tiền sai lệch sẽ được xử lý ra sao? Và quan trọng là, trách nhiệm của những cá nhân, tập thể tạo ra khoản sai lệch như thế nào thì chưa thấy VEC nhắc tới.
 
Về việc kinh phí bị đội từ 3.733,3 tỉ đồng lên 8.974 tỉ đồng,VEC cho rằng: Do tổng mức đầu tư của dự án lập trước năm 2005 thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng lại chuyển sang hình thức đầu tư bằng vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành, nên dự án phải chịu thêm phần lãi suất vay ngân hàng (có lúc lên đến 16%/năm), chịu biến động lớn về giá vật liệu, giá nhân công, giá ca máy, thay đổi thể chế chính sách xây dựng của Nhà nước... làm tổng mức đầu tư của dự án đã được duyệt không còn phù hợp với thực tế.
Theo các chuyên gia về cầu đường thì lời giải thích nêu trên chỉ là "ngụy biện", bởi ngay từ khi lập dự án, chủ đầu tư đã biết phải đền bù giải tỏa ra sao, phải làm cầu cống thế nào chứ không thể vừa làm vừa thêm thiết kế để tăng kinh phí đầu tư. VEC phải trả lời dư luận thế nào về việc năm 2005 được duyệt tổng kinh phí dự án là 3.733,3 tỉ đồng mà đến năm 2007 đã điều chỉnh dự án lên 7.723 tỉ đồng, và đến năm 2010 "đội" lên 8.974 tỉ đồng? 
 
Chất lượng rất tồi
 
Về chất lượng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được KTNN vạch ra, VEC cho rằng: “Đối với các kết quả kiểm toán đo đạc hiện trường có sai lệch về độ dày kết cấu nền, mặt đường, VEC cho rằng điều này chỉ xảy ra cục bộ ở một số vị trí. Bộ GTVT cũng đã có ý kiến chỉ đạo chủ đầu tư (VEC) tổ chức mời tư vấn độc lập kiểm định chất lượng công trình, xác định chi tiết các khiếm khuyết và xử lý trách nhiệm đúng quy định của pháp luật".
 
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang – một chuyên gia cầu đường, chất lượng nền đường và mặt đường dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được KTNN phát hiện là điều rất đáng ngại. Đường mới đưa vào sử dụng mà mặt đường đã bắt đầu lún cục bộ, nhất là ở những chỗ tiếp giáp với cống, cầu, những nơi có chiều cao đắp lớn. Điều đó cho thấy chất lượng nền đường có vấn đề.
 
Kiểm định chất lượng các gói thầu số 1, 2, 4, 5, 6 về thành phần hạt của các lớp kết cấu, thì lớp cấp phối đá dăm (CPĐD) loại 2: Gói thầu số 4, 5 có 2/2 mẫu không đạt. Lớp CPĐD loại 1: Gói thầu số 2, 4, 5 có 1/2 mẫu không đạt. Lớp bêtông nhựa (BTN) hạt trung: Gói thầu số 1, 2, 4, 5, 6 có 2/2 mẫu không đạt... 
 
Về độ chặt BTN thì lớp BTN hạt trung gói thầu số 1 có 5/6 mẫu không đạt; lớp BTN hạt mịn gói thầu số 1 có 3/6 mẫu không đạt, gói thầu số 2 có 3/6 mẫu không đạt... Chiều cao của mặt đường cũng không đúng thiết kế, cụ thể gói thầu số 4 có 20/34 điểm đo có độ cao mặt đường thấp hơn cao độ hoàn công từ 5,5 - 15,9cm; gói thầu số 6 có 15/32 điểm đo có cao độ mặt đường thấp hơn cao độ hoàn công từ 4,2 - 16,9cm. 
 
Còn độ bằng phẳng ngang của mặt đường, KTNN đã khẳng định các gói thầu đều không đạt yêu cầu kỹ thuật của dự án. Theo tiến sĩ Quang, đường cao tốc mà từ nền đường cho tới mặt đường chất lượng như thế thì quả là công trình có chất lượng rất tồi. 
 
Trong thời gian bảo hành, đơn vị thi công sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng. Nhưng khi hết thời hạn bảo hành, mọi chuyện hỏng hóc, lún nứt... ai sẽ chịu trách nhiệm? Đây là câu hỏi mà dư luận đang chờ Bộ GTVT cũng như các cơ quan chức năng sớm trả lời.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo