Dự án đường HCM: Muốn xong phải đánh trực diện vào lợi ích của nhà thầu
Để đẩy tiến độ dự án trọng điểm đường Hồ Chí Minh (HCM), chủ đầu tư đang áp dụng biện pháp: Nhà thầu yếu kém sẽ bị cắt khối lượng, chuyển cho nhà thầu mạnh. Lo mất việc, các nhà thầu “vắt chân lên cổ”, thậm chí tự bỏ tiền làm trước để đẩy nhanh tiến độ...
Cắt yếu, tăng khỏe
QL 14 (dự án đường HCM mở rộng) qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước những ngày này là một đại công trường nhộn nhịp. Khung cảnh khác hoàn toàn trước đó khi tiến độ thi công lẹt đẹt, nhà thầu trưng máy “làm hàng”.
Tại cuộc họp tiến độ với các nhà thầu khu vực Tây Nguyên diễn ra trong mấy ngày qua, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường HCM (Ban QLDA đường HCM) đánh giá, tiến độ dự án cơ bản chạm ngưỡng đặt ra (đạt hơn 20% tổng khối lượng). So với các tháng trước, nhiều nhà thầu tăng gấp đôi khối lượng. Với tiến độ hiện nay, mục tiêu hoàn thành mở rộng QL 14 qua Tây Nguyên vào 2016 sẽ khả thi.
Đầu bài ông Hoàng tiếp tục đưa ra cho nhà thầu là: Trước khi Tây Nguyên vào mùa mưa phải hoàn thành nền đá, lắp xong cống ngang đường để tránh hư hại nền đất và ùn tắc giao thông. Thậm chí QLDA đường HCM yêu cầu mỗi nhà thầu phải thảm vài km mặt đường vào dịp hạn Bà Chằn (hạn trước mùa mưa tại Tây Nguyên), tạo đà thảm đại trà ngay sau mùa mưa.
Theo ông Hoàng, nguyên nhân để đường HCM lấy lại phong độ là do đã bốc đúng liều thuốc mạnh: Quyết liệt, đánh trực diện vào lợi ích của các nhà thầu. “Từ tháng 4, khi chúng tôi mới tuyên bố xử lý nghiêm nhà thầu yếu kém, công trường đã chuyển động. Khi hủy hợp đồng với Tổng Cty Sông Hồng, giảm khối lượng của Cty Đức Long Gia Lai, nhà thầu không còn cho là Bộ GTVT chỉ hù dọa”, ông Hoàng nói.
Việc giảm hoặc cắt hẳn hợp đồng được ông Hoàng gọi là “chiến thuật” hoa thơm (nhà thầu khỏe, mạnh) lấn cỏ dại (nhà thầu yếu kém). Giải pháp này buộc các nhà thầu tăng ca, tăng máy vào công trường. Thậm chí, có nhà thầu như Cty Vật tư Xây dựng Đắk Lắk thay chính quyền địa phương, ứng tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho dân tại xã Phú Sơn (Bù Đăng, Bình Phước) để lấy mặt bằng thi công.
Tuy nhiên, tại dự án vẫn còn nhà thầu thuộc diện “báo động đỏ” là Cty Đức Phú. Đức Phú bị Ban QLDA đường HCM đưa vào diện cảnh báo cắt giảm khối lượng vì vỡ tiến độ.
Về lý do chưa “trảm” ngay Cty Đức Phú, ông Hoàng lý giải: “Đầu tiên là phê bình, cảnh cáo, không có biến chuyển mới trảm. Quyết liệt nhưng vẫn phải có tuần tự. Không phải thích là làm, doanh nghiệp sẽ không phục”.
Giục nhà thầu nhận tiền
Để tránh rớt, lụt tiến độ trong mùa mưa ở Tây Nguyên, Ban QLDA đường HCM đưa ra sáng kiến: Nhà thầu nào tập trung vật liệu đến công trường sẽ được tính sản lượng, được ứng 80% tiền mua vật liệu. Chuẩn bị đá là việc khó nhất tại Tây Nguyên do ít mỏ, dễ xảy ra tranh mua tranh bán, đá kém chất lượng, nhiều mỏ hết hạn.
Để giải quyết, Ban QLDA đường HCM xin ý kiến Bộ GTVT, đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn khai thác đối với các mỏ đá trong khu vực để phục vụ riêng cho dự án. Ban cũng trực tiếp tìm đến các mỏ đá để kiểm nghiệm, ký bảo lãnh theo tiêu chí: Chất lượng nhất, gần nhất, rẻ nhất. Có chủ mỏ, được cam kết của ban, tuyên bố giảm 50 nghìn đồng/m3 đá. Phương án này hiện cũng được đa số các nhà thầu ủng hộ.
“Chúng tôi chưa bao giờ có một khách hàng lớn như dự án này. Được cam kết bao tiêu, chúng tôi đã tăng công suất từ 400 lên 800 m3/ngày”, ông Nguyễn Đức Hạnh, chủ mỏ đá Khang Thịnh tại Bình Phước nói.
Một hiện tượng lạ tại dự án đoạn qua Đắk Lắk, Đắk Nông là các nhà thầu do áp lực tại hiện trường đã không để ý đến việc nhận tiền. Lý giải việc đoạn QL 14 tại Bình Phước có hai gói thầu vẫn chưa có vốn rót về, Ban QLDA đường HCM cho biết, Chính phủ đã duyệt chủ trương nhưng do quy trình thủ tục bị chậm nên Bộ GTVT và Ban vẫn chưa nhận được tiền.
Tuy nhiên, một số nhà thầu khó chấp nhận cách lý giải này. Chẳng hạn, Cty Bê tông nhựa Thuận Phú đã bỏ tiền túi 8 tỷ đồng để thảm hơn 4 km đến nay bắt đầu bí kinh phí đầu tư.
“Vì đường HCM, vì kiếm việc làm chúng tôi sẵn sàng làm. chúng tôi đề nghị sớm được rót tiền về để doanh nghiệp yên tâm. Chỉ quyết tâm thôi mà không có tiền, doanh nghiệp sẽ kiệt sức”- ông Nguyễn Trọng Thành, GĐ Cty nói.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo