Dự án Hoàng Bốn, Từ Liêm, Hà Nội: Bị cáo cũng… bị lừa?
Trước lời khai của Nguyễn Thế Hùng, vị thẩm phán chủ tọa phiên toà đã phải thốt lên: “Đúng là do bị cáo cả tin quá”.
Sáng 23/9, sau gần hai năm tạm giam các bị cáo và hoàn tất điều tra, vụ án lừa đảo đất dự án Hoàng Bốn (Từ Liêm, Hà Nội) được đông đảo người dân quan tâm đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Sau phần xét hỏi các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, xét thấy còn rất nhiều điều chưa được làm sáng tỏ, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bị cáo cũng bị lừa?
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thế Hùng (SN 1974, ngụ Đội Cấn, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội - là Giám đốc Cty CP Cầu Vàng) và Nguyễn Văn Hiếu (SN 1961, trú tại số 96, ngõ Thái Thịnh I, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội- là Phó giám đốc Cty CP Nhật Minh) đã bán các lô đất ở Dự án Khu nhà ở tại thôn Hoàng Bốn (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm cũ, Hà Nội) cho nhiều người.
Từ tháng 8/2010 đến tháng 9/2011, có 17 cá nhân đã mua các lô đất dưới dạng hợp đồng góp vốn và nộp cho bộ đôi này hơn 29 tỷ đồng. Nhiều cá nhân còn phải nộp tiền chênh lệch.
Cơ quan điều tra đã làm rõ, Hiếu biết rõ khu đất đó là đất nông nghiệp ở tại thôn Hoàng Bốn, nhưng Cty Nhật Minh đang xin cấp phép đầu tư dự án ở ngõ 106 Hoàng Quốc Việt (xã Cổ Nhuế) nên không thể đứng tên lập dự án khác. Do đó, Hiếu đã rủ Hùng, lấy danh nghĩa Cty Cầu Vàng của Hùng để lập dự án.
Cty của Hùng lấy tư cách pháp nhân để ký các hợp đồng góp vốn, thu tiền của khách hàng. Hùng và Hiếu bàn bạc, thống nhất với nhau để cùng đầu tư, trong đó, Hiếu chịu trách nhiệm lo thủ tục giấy tờ liên quan tới việc xin cấp phép dự án, thỏa thuận đền bù.
Tuy nhiên, trước tòa, bị cáo Hiếu khai: Hiếu được một người ở Cty khác nhượng lại dự án với toàn bộ giấy tờ có liên quan như văn bản giới thiệu vị trí dự án, biên bản của UNBD xã Cổ Nhuế khẳng định chưa có dự án nào ở cùng vị trí và văn bản của UBND huyện Từ Liêm cũng khẳng định mảnh đất không thuộc quy hoạch nào.
Hiếu nhận dự án và giao lại toàn bộ cho Cty Cầu Vàng do Hùng làm giám đốc. Hiếu hướng dẫn Hùng soạn thảo lại các văn bản liên quan đưa địa phương ký, đóng dấu tiến hành làm các thủ tục để chứng minh Cầu Vàng là chủ đầu tư dự án.
Bị cáo Hùng khai, vì quá tin tưởng Hiếu nên cứ lao vào làm. Trong quá trình làm, Hùng có lần hỏi Hiếu “đã đủ thủ tục chưa mà tiến hành thu tiền người đầu tư”, Hiếu trả lời “đã có 2 văn bản này là tiến hành được rồi, mình đã thanh toán tiền đền bù cho dân thì không công ty nào có thể nhảy vào được nữa”.
Hùng cũng tin tưởng Hiếu nên huy động anh em bạn bè cùng đầu tư. Hùng khai: “Bị cáo không biết thực hư dự án này như thế nào nhưng vì quá tin tưởng anh Hiếu nên dẫn đến tội lỗi ngày hôm nay. Nếu bị cáo biết dự án không có thật, tại sao bị cáo còn đưa tiền của mình ra để thanh toán tiền giải phóng mặt bằng? Nếu bị cáo biết dự án lừa đảo, sao bị cáo còn đưa 18 tỉ đồng đã thu được cho anh Hiếu? Bị cáo nhận thức được mình đã làm việc quá thiếu sót, không kiểm tra kỹ càng, tin tưởng người khác vô điều kiện nên bị cáo thật sự hối hận về những gì đã xảy ra”.
Trước lời khai của Hùng, vị thẩm phán chủ tọa phiên toà đã phải thốt lên: “Đúng là do bị cáo cả tin quá, do bị cáo thiếu hiểu biết, làm giám đốc của công ty phải là người nắm rõ nhất mọi sự việc, không thể mù mờ tin tưởng như thế được”.
Anh Nguyễn Trung Thành, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan cho biết, anh chơi thân với bị cáo Nguyễn Thế Hùng từ ngày hai người còn làm ở Ban quản lý Tây Hồ. Anh Thành khẳng định: “Hùng là người có bản chất tốt, tôi mong tòa xem xét để có thể khẳng định Hùng không chủ định lừa mọi người trong vụ án, Hùng chỉ vô tình gây hại cho mọi người, không chủ đích đi lừa gạt ai”.
Còn nhiều khuất tất
Một điều bất ngờ trong phiên tòa là hầu hết những người bị hại lại khai không trực tiếp đưa tiền cho bị cáo Hùng và không biết Hùng Cầu Vàng (bị cáo Hùng – PV) là ai. Người đứng ra nhận tiền lại là Phó Giám đốc Cty Cầu Vàng, tên Nguyễn Thế Anh.
Trước tòa, Thế Anh lại khẳng định mình chưa nhận một đồng lương nào của Cầu Vàng, vậy người này lấy tư cách gì khi đứng ra nhận rất nhiều tiền của các nhà đầu tư và có trách nhiệm như nào khi sự việc xảy ra?
Một chi tiết nữa cũng đáng lưu ý chính là sự không khớp giữa lời khai của một người bị hại với chị Lê Thị Hồng Tuyết (người chung sống với bị cáo Nguyễn Thế Hùng).
Chị Tuyết khẳng định, giấy vay nợ của bà này có giá trị 4 tỉ đồng chị đã viết thực chất là số tiền hơn 1 tỉ đồng bà đã nộp vào công ty để mua một căn và số tiền lãi mà Cty không trả được cho bà khi dự án bị vỡ lở.
Bà này ngay lập tức bác bỏ và khẳng định “4 tỉ là số tiền tôi đã nộp cho anh Thế Anh, có anh Thế Anh ở đây có thể làm chứng”.
Về số tiền trong cáo trạng nêu “Hùng đã nhận từ phó giám đốc Thế Anh”, bị cáo Hùng khai: Bị cáo chỉ nhận những khoản tiền bị cáo đã ký còn những khoản chênh lệch mà Thế Anh đã khai thì bị cáo không nhận. Bị cáo cũng không nhận số tiền lớn mà không ghi phiếu thu bao giờ. Bị cáo cũng không biết Thế Anh đã thu của bao nhiêu người.
Nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, HĐXX đã hội ý và quyết định trả lại hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhằm làm sáng tỏ hơn trách nhiệm của những người có liên quan.
Được biết, năm 1998, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu từng bị xử 3 năm tù về tội vi phạm luật Đất đai. Gần đây nhất, ngày 13/9/2014, bị cáo Hiếu vừa bị tuyên phạt 15 năm tù về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một vụ án khác.
Theo Pháp luật Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo