Môi trường

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Nên quy định rõ chế tài xử phạt

Sau gần 8 năm đưa vào triển khai áp dụng, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn phù hợp với thực tiễn.

Tạo ra hành lang pháp lý cụ thể minh bạch hơn để giải quyết những vấn đề bất cập trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là mục đích đặt ra với cơ quan soạn thảo Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Công nhân Công ty môi trường đô thị xử lý chất thải rắn trước khi tiêu hủy.

Công nhân Công ty môi trường đô thị xử lý chất thải rắn trước khi tiêu hủy.

Băn khoăn vấn đề quản lý chất thải

Một trong những nội dung mà các chuyên gia môi trường băn khoăn, đó là vấn đề quản lý chất thải. Theo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), chất thải là các chất thải bỏ, không có giá trị sử dụng. Bởi khái niệm này chưa rõ ràng, cụ thể nên có thể tạo ra kẽ hở giúp cho các doanh nghiệp lách luật, nhập khẩu chất thải dưới dạng phế liệu. "Mặc dù có quy định tại Điều 3 khoản 15, nhưng trong Chương VIII "Quản lý chất thải" lại không có nội dung nào đề cập đến vấn đề nhập khẩu phế liệu" - PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam nêu ý kiến và dẫn chứng, phế liệu được nhập khẩu trong thời gian qua chứa một phần chất thải nguy hại. Do không được tái xuất, không trả lại được cho bên xuất nên hàng trăm container phế liệu vẫn nằm ở cảng, chưa biết xử lý thế nào.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình, việc nhập khẩu phế liệu tràn lan sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường. Ngoài ra, các phế liệu loại thải thường chứa các tạp chất gây tác hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Bổ sung quy định về an ninh môi trường

Các ý kiến nhất trí đưa quy hoạch môi trường vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), bởi phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Nội dung của các quy hoạch đa dạng sinh học, xử lý chất thải, quan trắc và các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường được đưa vào quy hoạch môi trường. Đồng thời, cần bổ sung cụ thể quy định xử phạt đối với các trường hợp cố ý gây ô nhiễm môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại về môi trường…Ngoài ra, để có thể đảm bảo an ninh môi trường, các chuyên gia kiến nghị, Dự thảo Luật cần xây dựng và hoàn thiện các quy định về an ninh môi trường. Quy định này cần được bổ sung, để nhận diện và phân loại các vấn đề môi trường theo mức độ mất an ninh, đưa ra những cảnh báo khi môi trường quốc gia hay khu vực trở nên kém an ninh.

Hiện, Bộ TN&MT đang tổng hợp các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Bộ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ VI, Quốc hội Khóa XIII.

Theo KTĐT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo