Môi trường

Dự án nạo vét luồng cảng Lạch Huyện: 40 triệu khối bùn sẽ xả ra di sản?

Rất có thể 40 triệu m3 bùn rác từ Lạch Huyện sẽ được xả vào vùng biển du lịch nên thơ của đất nước, nơi đang được chuẩn bị hồ sơ trình lên UNESCO đề nghị công nhận là… di sản thiên nhiên thế giới.

Dự án nạo vét luồng cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đã được cơ quan chức năng đưa ra. Một trong những phương án xử lý số bùn rác nạo vét được ở đây là đem… đổ ra biển Cát Bà. Có nghĩa là, rất có thể 40 triệu m3 bùn rác từ Lạch Huyện sẽ được xả vào vùng biển du lịch nên thơ của đất nước, nơi đang được chuẩn bị hồ sơ trình lên UNESCO đề nghị công nhận là… di sản thiên nhiên thế giới.

 

Quần đảo vàng trước nguy cơ… lấm bùn!
 

Được thiên nhiên ưu đãi, Cát Bà sở hữu 9.000 ha rừng, 5.400 ha biển tạo nên một môi trường sinh thái lý tưởng, hiếm có. Với diện tích 15.200 ha, nơi đây được đánh giá là “quần đảo vàng”, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
 
 
Sinh vật biển đảo Cát Bà phong phú và đa dạng vào bậc nhất ở các vùng đảo phía Bắc nước ta với 2.320 loài động, thực vật. Đáng chú ý, trong số đó gần 60 loài được coi là đặc hữu, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như chò đãi, kim giao, lá khôi, lát hoa, dẻ hương, thổ phục linh, trúc đũa, sến mật…
 
 
Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện vùng biển Cát Bà có 193 loài thuộc lớp san hô, tập trung nhiều ở các đảo Áng Thảm, Cát Dứa, Mũi Hồng, Ba Trái Đào, cụm đảo Đầu Bê – Hang Trai, Long Châu. Đây không chỉ là nơi lưu giữ và phát triển nguồn gene quý của khu vực Vịnh Bắc Bộ, mà còn có nhiều loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao.
 
 
Theo thống kê có tới trên 30 loài cá kinh tế và 70 loài động vật đáy tại vùng biển này đã hợp thành ngư trường cá đáy và cá nổi Cát Bà – Long Châu. Các loài cá này mang lại lợi ích lớn về du lịch, xuất khẩu và phát triển nguồn lợi thuỷ sản địa phương. Ngoài ra, nơi đây còn tám loài rong, bảy loài động vật đáy trong diện cần được bảo vệ.
 

Ở khía cạnh du lịch, vào các thời điểm biển lặng, du khách đến Cát Bà còn được tham gia du lịch sinh thái biển với các cuộc lặn, thám hiểm đáy đại dương.
 

Có lẽ bởi sự phong phú và khác biệt nói trên mà tháng 2/2008, Đại hội toàn cầu các khu dự trữ sinh quyển thế giới lần thứ ba và kỳ họp thứ 20 Hội đồng điều phối quốc tế (ICC) của Chương trình MAB tại Madrid (Tây Ban Nha), khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đã được đại biểu của 105 quốc gia có khu dự trữ sinh quyển thế giới đánh giá là “quần đảo vàng”. Đó là một sự ghi nhận quan trọng và bước đệm đầy thuận lợi cho Việt Nam trong tiến trình đề nghị tổ chức UNESCO xem xét công nhận nơi đây là di sản thiên nhiên thế giới.
 
 

Vị trí đổ thải ra biển Cát Bà.

 
 
Xả bùn ra biển… cho rẻ
 

Thế nhưng, giấc mơ di sản thiên nhiên thế giới của Cát Bà có nguy cơ tan tành mây khói bởi những thông tin liên quan mới đây quanh dự án phát triển cảng nước sâu Lạch Huyện. Theo đó, cảng biển nước sâu Lạch Huyện sẽ được phát triển thành cảng cửa ngõ miền Bắc Việt Nam, được xây dựng để phục vụ cho tàu đến 100.000 DWT và được coi là cảng chính ở miền Bắc Việt Nam. Điều này, trước mắt mang lại lợi thế kinh tế - xã hội rất lớn cho thành phố Cảng và khu công nghiệp Đình Vũ.
 

Một trong hạng mục xây dựng cảng Lạch Huyện là nạo vét bùn, đất để khai thông luồng tuyến. Theo tính toán, tổng cộng có khoảng 40 triệu m3 bùn đất sẽ được nạo vét tại đây, trong đó có 36 triệu m3 đất bùn trong luồng cảng và 4 triệu m3 bùn ở vùng nước trước bến.
 

Tại các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng với sự đồng thuận của Bộ Giao thông Vận tải, việc nạo vét bùn sẽ được đổ vào một trong hai khu: Sau đê chắn sóng của hai bến khởi động (Nam Cát Hải) và khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, đoàn tư vấn JICA (Nhật Bản) mới đây lại có thêm đề xuất gây bất ngờ cho dư luận là đổ bùn xuống biển…. vì chi phí rẻ.
 
 
Theo đó, các tính toán của JICA là phương án đổ bùn ra biển có một số “ưu điểm” như cự ly từ điểm hút đến vị trí xả bùn chỉ 16 km (về phía Nam Cát Bà), luồng đường thông thoáng, chỉ phải chi phí cho nạo hút bùn với tổng số tiền 35 tỷ Yên.
 
 
Phương án này không phải xây dựng đê bao, đào hố trung chuyển, cứ xả thẳng bùn ra biển(?!), không phải nạo vét luồng công vụ nên thời gian chỉ mất 41 tháng, bảo đảm tiến độ dự án. Và quan trọng hơn nữa là việc xây dựng đê bao, đào hố trung chuyển, nạo vét tuyến đường công vụ không nằm trong Hiệp định vốn vay của ODA.
 

Với phương án đổ bùn vào Nam Cát Hải, theo JICA tính toán, sẽ tốn kém thêm so với phương án đổ bùn ra biển, bởi vị trí này cần xây dựng từ 7,5 - 8 km đê bao với kinh phí khoảng từ 700 - 800 tỷ đồng, việc đào hố trung chuyển, nạo vét luồng công vụ… với tổng chi phí thêm khoảng 29 tỷ Yên nữa (khoảng 7.800 tỷ đồng). Chưa kể, JICA cho rằng, thời gian chuẩn bị cho phương án này  như: đấu thầu, đầu tư, khảo sát.. để xây dựng thi công sẽ phải kéo dài đến 58 tháng, không bảo đảm tiến độ triển khai dự án.
 

Còn phương án đổ bùn vào khu công nghiệp Nam Đình Vũ cũng được JICA tính toán tương tự như đổ bùn vào Nam Cát Hải. Có nghĩa cũng phải xây dựng đê bao, xây dựng hố trung chuyển, nạo vét luồng công vụ … Và theo đó, tổng kinh phí của việc đổ bùn vào khu công nghiệp Nam Đình Vũ sẽ làm gia tăng thêm khoảng 33 tỷ Yên (khoảng 8.800 tỷ đồng), thời gian kéo dài 65 tháng, không bảo đảm tiến độ thi công.
 

Có nghĩa là, trong đề xuất của JICA, việc đổ bùn sẽ được đưa ra… biển Cát Bà. Bởi, một lý do cực kỳ đơn giản: Rẻ và tiết kiệm thời gian!
 
Theo GĐXH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo