Dự án Thăng Long - Yên Hòa: “Tiền trảm, hậu tấu” thắng thế
Dự án Thăng Long - Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã được cơ quan chức năng cho phép thi công trở lại sau một thời gian dài bị đình chỉ xây dựng do không thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế ban đầu được phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Thăng Long - chủ đầu tư Dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng - nhà ở (Dự án Thăng Long - Yên Hòa) cho biết, Dự án đã tiến hành thi công trở lại sau khi được cơ quan chức năng cấp phép.
Trước đó, như Báo Đầu tư đã thông tin, Dự án Tòa nhà hỗn hợp của Công ty TNHH Thăng Long tại tổ 50, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy (Hà Nội) khởi công xây dựng từ năm 2011 đã 2 lần bị cơ quan chức năng tạm dừng thi công vào các năm 2013 và 2014 do thiếu giấy phép xây dựng. Đến nay, sau hơn 8 tháng bị đình chỉ, lệnh cấm xây dựng đối với Dự án đã được dỡ bỏ.
Được biết, năm 2006, Công ty TNHH Thăng Long bị thu hồi đất tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy để xây dựng trụ sở Bộ Công an. Đổi lại, Công ty được UBND TP. Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy cấp cho khu đất thuộc Tổ 50, phường Yên Hoà để xây dựng toà nhà văn phòng làm trụ sở Công ty.
Trên cơ sở đó, Công ty đã trình phương án kiến trúc, hồ sơ thiết kế cơ sở và lần lượt được Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng TP. Hà Nội chấp thuận. Theo ông Trương Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Thăng Long, với các hồ sơ đó, căn cứ theo Thông tư số 9/2005/TT-BXD ngày 6/5/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì Dự án thuộc diện được miễn phép xây dựng (do công trình đã có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế).
Tuy nhiên, theo hồ sơ thiết kế ban đầu (từ những năm 2006 - 2007) được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc và Sở Xây dựng phê duyệt thiết kế cơ sở, toà nhà chỉ cao 17 tầng và có chức năng làm văn phòng. Nhưng khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư Dự án không thực hiện theo phương án kiến trúc đó, mà đã từng bước tìm phương án nâng chiều cao (từ 17 tầng lên 27 tầng) và thay đổi chức năng của toà nhà (từ văn phòng thành toà nhà hỗn hợp).
Đến năm 2011, qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp và thay đổi trong các văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư đã khéo léo chuyển chức năng của toà nhà từ văn phòng đơn thuần thành văn phòng - nhà ở.
Như vậy, để có công trình xây dựng Dự án toà nhà hỗn hợp trên địa bàn phường Yên Hoà cao 27 tầng (với 17 tầng đã xây dựng), chủ đầu tư đã thực hiện một chiến lược bài bản và bền bỉ. Sự thành công của Công ty TNHH Thăng Long trong việc xin giấy phép xây dựng, nâng số tầng xây dựng thực tế tại Thăng Long - Yên Hòa có thể xem như là "bài học" điển hình trong chiến lược “tiền trảm, hậu tấu” của một số chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng ở Hà Nội hiện nay. Vụ việc là thành công với chủ đầu tư dự án, nhưng có thể sẽ là thảm họa với bộ mặt đô thị của Thủ đô, nếu chủ đầu tư dự án bất động sản nào cũng tìm được cái kết "có hậu" như thế.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Cột tin quảng cáo