Dự án tiền tỉ và khái niệm " không xài sang" của lãnh đạo Hà Nội
Không "xài sang"
Trước thông tin, các mặt hàng giá cả tăng không đáng kể nhưng sức mua của người Hà Nội vẫn yếu, thì Hà Nội được đánh giá là chơi "sang" với hàng loạt các dự án tiền tỉ: "tinh thần thể dục", nhà chờ xe buýt 5 sao...
Ông Phan Đăng Long - Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lên tiếng giải thích, không thể gọi các dự án tiền tỉ đó là chơi sang.
Theo lý giải của ông Long, nhà chờ xe buýt 5 sao, mục tiêu là để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Còn 19.500 tỷ Hà Nội chi cho tinh thần thể dục ông Long lý giải vì đó là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;
Nhằm tăng cường thể lực, nâng cao vóc dáng, giáo dục nhân cách, phát triển con người toàn diện, làm phong phú, lành mạnh đời sống tinh thần và lối sống của người dân Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Do đó, ông Long kết luận, Hà Nội xây dựng những dự án này là nhằm mục đích phục vụ "quốc kế, dân sinh" nên không thể gọi đó là "xài sang".
Theo ông Long, việc Hà Nội xây dựng các dự án này cũng giống khi mua một cái ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại, hay cần một văn phòng để làm việc...
Thông tin Hà Nội chơi sang được đặt ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, dân có xu hướng giữ chặt ví tiền.
Đánh giá về sức mua tăng yếu so với cùng thời điểm năm trước, UBND TP Hà Nội nhận định những tháng cuối năm 2014 vẫn có những diễn biến khó lường.
TP Hà Nội chỉ đạo các Sở, Ngành tiếp tục thực hiện cá giải pháp kiểm soát lạm phát, bình ổn giá, chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Ngoài ra, UBND TP tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường.
Xây khu du lịch 50ha bên sông để phát triển du lịch
Một Trung tâm du lịch văn hóa sông Hồng rộng 50 ha bên sông Hồng đang được nghiên cứu xây dựng nhằm quảng bá xúc tiến du lịch thủ đô. Đây cũng được dư luận xem là một trong những dự án "chơi sang" của Hà Nội.
Theo đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất trung tâm có quy mô khoảng 50 ha, nằm trên địa bàn quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm. Phía bắc sẽ giáp sông Hồng, phía nam giáp đường An Dương Vương, phía tây giáp hành lang bảo vệ cầu Thăng Long, phía đông giáp hành lang bảo vệ cầu Nhật Tân.
Nói thêm về dự án này ông Long nhận định, "dù chưa có thông tin cụ thể, tuy nhiên, quyết định nào cũng là đầu tư cho kinh tế". Ông Long cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của thành phố là phát triển ngành dịch vụ.
"Du lịch cũng là một hình thức nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Không nên nghĩ rằng chỉ ngồi khai thác (thu tiền) du lịch trong khi không có những đầu tư vào nó", ông Long phản ứng.
Cụ thể theo quy hoạch, du lịch Hà Nội sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu và đậm đà bản sắc dân tộc. Hà Nội sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận định dự án này thực chất là biến thể của dự án "Thành phố hai bên sông Hồng" nhưng đã bị bác trước đó.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở quy hoạch - kiến trúc Hà Nội cho biết trước đây Hà Nội từng có ý định làm thành phố du lịch hai bên sông Hồng. Rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc muốn 'nhảy' vào nhưng đề xuất mãi chưa triển khai được.
Liệu Trung tâm du lịch văn hóa sông Hồng có thể biến giấc mơ về một nền kinh tế Thủ đô hùng mạnh sẽ trở thành hiện thực?
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng