Thị trường

Dự báo kinh tế Việt Nam 2013: Tập trung cho tái cơ cấu

Dù từng quý đã có những cải thiện rõ rệt nhưng xét tổng thể, kinh tế vĩ mô năm 2012 kém rõ rệt so với năm 2011. Ngoài tác động khách quan từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, theo các chuyên gia kinh tế còn có nguyên nhân từ những yếu kém trong quản lý, điều hành nền kinh tế, chậm chạp trong tái cơ cấu.

Cùng "nhìn thẳng và nói thật"


Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2012 diễn ra mới đây, các chuyên gia đã thẳng thắn nhìn nhận, tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô nước ta vẫn đang và sẽ tiếp diễn.

 

Các ý kiến đều thống nhất cho rằng: Kinh tế đang ở trong một vùng trũng, mấp mô đan xen lạm phát cao - thiểu phát và tốc độ tăng trưởng trồi sụt, khó lường, sản xuất của hàng trăm ngàn doanh nghiệp đình trệ, sức mua tiêu dùng của người dân giảm nhiều, hàng tồn kho gia tăng...


Nền kinh tế hiện đang đối mặt với 3 nghịch lý: Lạm phát và nhập siêu giảm nhưng lại là dấu hiệu lo ngại; ngân hàng thừa thanh khoản nhưng
doanh nghiệp lại "đói" vốn; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao trong nhiều văn kiện, nhưng triển khai chưa được nhiều.

 

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lo lắng khi gần hai năm kể từ khi Đảng và Chính phủ có chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế dù đã làm được một số việc, nhưng trên tổng thể, vẫn chỉ là gỡ rối trước mắt, chủ yếu là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư công, bắt đầu chấn chỉnh doanh nghiệp Nhà nước và chủ yếu là tập đoàn, tổng công ty lớn.

 

Cũng theo vị chuyên gia này, kết quả và hiệu quả tái cơ cấu còn rất hạn chế, nhiều việc đề ra còn bỏ ngỏ. Tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn rất nặng nề và triển vọng xử lý còn nhiều khó khăn.


Bên cạnh đó, tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo, mua bán và thôn tính lẫn nhau không minh bạch trong hệ thống ngân hàng… Theo khuyến nghị của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, xử lý nợ xấu phải theo hướng tất cả ngân hàng thương mại phải trích lập đủ dự phòng nợ xấu, lấy vốn chủ sở hữu ra trích lập, chủ động khoanh nợ cho những
doanh nghiệp làm ăn được để họ tiếp tục có vốn tiếp tục kinh doanh, ngân hàng cũng có lối thoát cho vấn đề nợ xấu.

 

Nhìn tổng thể, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề cần làm hiện nay là đổi mới về cải cách đất đai; cải cách doanh nghiệp Nhà nước theo nghĩa thị trường; cải cách ngân sách Nhà nước một cách quyết liệt.

 

Cuối cùng, phải công khai minh bạch, dám nhìn thẳng vào sự thật để hành động. Mức đề xuất ngân sách cho năm 2013 theo các chuyên gia là phải giảm 10% so với 2012.



Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao



Trong một nghiên cứu của nhóm tác giả: Trần Đình Thiên, Bùi Trinh, Phạm Sỹ An và Nguyễn Việt Phong thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, bức tranh kinh tế năm 2013 được dự đoán vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và lạm phát, do đó khuyến nghị đưa ra là không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao, mà cần tập trung nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế.



Nhiều chuyên gia tiên lượng, tăng trưởng năm tới chỉ đạt ở mức 4 - 5% nếu như tổng cầu và đầu tư giữ được như trong năm 2012. Con số này được cho là chấp nhận được vì tăng trưởng cao không phải là ưu tiên của nền kinh tế trong các năm tới.

 

Các chuyên gia nhấn mạnh, xây dựng mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 phải được đặt trong tổng thể mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm: Duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định; tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của các tầng lớp dân cư.


2013 phải là năm bản lề xoay chuyển, thay đổi tư duy làm quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực, công khai, minh bạch thông tin điều hành.

 

PGS.TS Võ Đại Lược đề nghị bỏ việc tính GDP các tỉnh vì không tác dụng và dễ sinh bệnh thành tích giữa các địa phương, đồng thời rút bớt quyền hạn của cấp tỉnh nhằm hạn chế tình trạng địa phương phát triển tràn lan, phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

 

 

Theo Kinh tế đô thị

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo