Dự báo lạm phát 2016 ở mức 2,5%
Tin tức trên báo Lao động, theo các chuyên gia của VCBS, dự báo lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp với các cơ sở chính như cung tiền được kiểm soát tốt trong suốt thời gian qua. Hơn nữa, cầu tiêu dùng có sự phục hồi nhưng chưa bứt phá và tâm lý tiết kiệm chi tiêu của người dân khó có thể sớm cởi bỏ trong bối cảnh nhiều rủi ro còn tồn tại, đặc biệt là từ phía thế giới. Yếu tố tiếp theo tác động đến lạm phát là triển vọng giá cả hàng hóa nguyên liệu trên thế giới ở mức thấp, đặc biệt là giá dầu thô.
“Áp lực tăng CPI trong năm 2016 chủ yếu đến từ việc tăng giá của các mặt hàng dưới sự điều hành của Chính phủ như Điện, Nước, Y tế, Giáo dục, …. Tỉ lệ lạm phát cả năm 2016 dự báo vào khoảng 2,5%”, chuyên gia của VCBS cho biết. Đặc biệt là trong thời điểm tháng 1 và tháng 2 là thời gian Tết, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao sẽ thúc đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng.
Trong khi đó, nhìn lại năm 2015, các chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, điểm sáng đáng chú ý nhất của kinh tế Việt Nam là tín hiệu tích cực từ tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,68%, riêng quý IV đạt 7,01%, cao nhất kể từ năm 2011. Khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng là thành tố quan trọng nhất đóng góp cho sự cải thiện về tốc độ tăng trưởng với tăng trưởng 9,64%, cao hơn nhiều so với 2 năm liền kề trước đó. Báo Công an Nhân dân thông tin.
Một tín hiệu đáng ghi nhận khác là tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp (DN) công nghiệp năm nay cũng được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong khối DN ngoài nhà nước. Lượng lao động ngành công nghiệp tăng 6,4%, cao hơn mức 4,3 và 5,8% của 2 năm trước đây.
Nhóm chuyên gia của VEPR cho rằng, lạm phát lõi là tương đối phù hợp và cần được duy trì để giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp, từ đó giúp cho mặt bằng lãi suất ổn định, tạo thuận lợi cho quá trình hồi phục kinh tế.
Dù vậy, lạm phát có thể đứng trước những biến động mạnh hơn trong năm 2016, do giá năng lượng và nhiều loại hàng hoá đã ở mức thấp kỷ lục, có khả năng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ. Thứ hai, hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động bất lợi đến nguồn cung gạo, có thể khiến giá cao hơn trong năm nay.
Mặt khác, khả năng tăng giá các nhóm hàng do Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế và giáo dục trong năm 2016 là lớn. Tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá. VEPR dự đoán lạm phát 2016 sẽ ở mức 4-5%.
VEPR khuyến nghị cần quay trở lại ưu tiên cao nhất trong các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng đã hồi phục. Cần giữ kỷ luật tài khoá để giảm chi ngân sách, đặc biệt cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ để cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Các khoản chi đầu tư từ nguồn vốn ODA ngoài dự toán cần được kiểm soát chặt chẽ.
Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ thị trường hoá giá các loại hàng hoá, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu như điện, nước… chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính.
End of content
Không có tin nào tiếp theo