Đủ chiêu ăn cắp nước sạch
Thủ đoạn tinh vi hơn
Ngày 18/5/2012, tổ kiểm tra của Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình, Công ty Nước sạch Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại nhà hàng Hội Quán (264 Thụy Khuê, Ba Đình). Nhà hàng này sử dụng nguồn nước sạch của Công ty Nước sạch Hà Nội.
Kết quả kiểm tra cho thấy, nhà hàng Hội Quán đã đấu nối trực tiếp vào ống dịch vụ bằng đường ống thép tráng kẽm cỡ phi 15 để sử dụng nước sạch, không qua đồng hồ đo nước, không có hợp đồng sử dụng nước. Và trong một thời gian dài, nhà hàng này đã không mất một đồng tiền nào để trả cho việc sử dụng nước sạch.
Tại Trung tâm Cán bộ bồi dưỡng giáo dục C89 Cống Vị, Ba Đình, khoảng đất ở đây đã bị đập phá để chuẩn bị xây dựng. Từ tháng 4, khu vực này đã cắt không sử dụng nước sạch của Công ty Nước sạch Hà Nội.
Ông Bạch Nhật Trung, tổ kiểm tra xí nghiệp Nước sạch Ba Đình cho hay, hiện tại khu đất đang trong giai đoạn phá dỡ và xây dựng mới, không có đồng hồ trên hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, đơn vị thi công hè đường tự ý đấu nối vào vị trí đồng hồ cũ, lấy nước sử dụng mà không được phép, không trả tiền nước sử dụng.
Chuyện trộm nước sạch không phải bây giờ mới diễn ra nhưng thủ đoạn ngày càng phong phú và tinh vi hơn.
Ông Ngô Xuân Thảo, Trưởng phòng Thanh tra bảo vệ, Công ty Nước sạch Hà Nội, khẳng định: Thủ đoạn trộm nước sạch rất tinh vi. Trước đây, các trường hợp thường sử dụng cách phá bỏ kẹp chì niêm phong đồng hồ, sau đó tháo lấy cánh quạt cắt gọt nhỏ đi; vỗ nhẹ vào thân đồng hồ làm sai lệch đồng hồ...
Những cách này khiến cho nhân viên ngành nước không thể phát hiện ra bởi cánh quạt vẫn quay bình thường nhưng chỉ chậm đi và chỉ số lượng nước lệch đi có lợi cho khách hàng. Hiện nay, nhiều đối tượng còn thọc dây thẳng vào sau đồng hồ hoặc gắn dây phanh vào vòi nước, chỉ đến gần đợt kiểm tra nước thì rút dây ra.
Theo kết quả kiểm tra của Công ty Nước sạch Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm đã có 12 trường hợp đồng hồ bị đổi vị trí, 16 trường hợp bị vô hiệu hóa đồng hồ, 27 trường hợp đồng hồ bị cắt Tê. Công ty đã thu 250 đồng hồ do khách hàng vi phạm và truy thu được hơn 900 triệu đồng tiền nước.
Phường chả buồn phạt
Ông Vũ Văn Mấm, Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, theo Nghị định 23 của Thủ tướng Chính phủ, những hành vi vi phạm như: sử dụng nước trước đồng hồ đo nước; làm sai lệch đồng hồ đo nước; tự ý thay đổi vị trí, cỡ, loại đồng hồ đo nước; gỡ niêm phong, niêm chì của thiết bị đo đếm nước không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.
Đối với những trường hợp như: tự ý đấu nối đường ống cấp nước; thay đổi đường kính ống cấp nước không đúng quy định; sử dụng nước từ mạng lưới cấp nước, trụ nước phòng cháy, chữa cháy vào mục đích khác không đúng quy định thì bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Mức phạt cao nhất là từ 60 - 70 triệu đồng đối với hành vi tự ý đục tuyến ống nước thô hoặc đường ống truyền tải nước.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Mấm, từ đầu năm đến nay, thanh tra xây dựng chưa xử lý được trường hợp nào về trộm nước sạch.
"Khi phát hiện được trường hợp trộm nước sạch, các đơn vị kinh doanh nước sạch tự xử lý với khách hàng, ít khi thông báo để thanh tra vào cuộc. Có lẽ vì thế, dù các đơn vị kinh doanh nước sạch đã làm tương đối tốt để tránh thất thoát nước của họ nhưng vẫn chưa giảm triệt để tình trạng trộm nước sạch", ông Mấm nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Thảo cho biết, việc xử lý tình trạng trộm nước sạch đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều trường hợp thuê nhà, trường hợp nhà xây dựng trên đất trái phép, nhiều người chây lì... đơn vị ngành nước không thể truy thu được tiền.
Đặc biệt, cho đến giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể xem hành lang cấp nước là bao nhiêu để dựa trên đó xử lý các vi phạm.
"Chúng tôi đã sử dụng rất nhiều cách như ký tên vào giấy rồi dán lên đồng hồ để tránh việc làm sai lệch đồng hồ, thậm chí quản lý qua hệ thống việc sử dụng nước hàng tháng, nếu thấy sai lệch thì đi kiểm tra... nhưng vẫn chưa thể ngăn được hết việc lấy trộm nước. Bản thân công ty nước là doanh nghiệp nên không có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp trộm nước sạch. Chúng tôi chỉ có thể tiến hành truy thu tiền nước, cắt nước đối với các trường hợp đó mà không thể phạt hành chính. Muốn xử lý phải mời thanh tra xây dựng để họ lập biên bản, tiến hành xử lý, trình tự rất lâu và các đối tượng có thể đã tẩu tán hết tang vật", ông Thảo cho hay.
Mong muốn sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ông Trương Tiến Hưng, Giám đốc Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình bộc bạch: "Nhiều trường hợp phát hiện trộm nước sạch nhưng không thể xử lý được vì họ không nhận, hoặc mảnh đất đó là đất lấn chiếm. Chúng tôi mời chính quyền phường ra để cùng vào cuộc thì không nhận được sự ủng hộ. Có những lúc khi đi kiểm tra, cán bộ của Xí nghiệp còn bị người dân đánh...".
Theo VEF
End of content
Không có tin nào tiếp theo