Dự kiến khảo sát đầu tư nước ngoài trong 5 năm qua
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này đang chuẩn bị cho việc tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo dự kiến, báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ kế thừa kết quả nghiên cứu từ Báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài; đồng thời khảo sát và đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài trong 5 năm (2012-2017) trên cơ sở đánh giá tình hình thu hút và quản lý FDI của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia, theo tin tức trên báo TTXVN.
Báo cáo bao gồm đánh giá chuyên sâu vào các vấn đề nổi bật của đầu tư nước ngoài trong thời gian qua như công nghiệp hỗ trợ, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, công nghệ và chuyển giao công nghệ, vấn đề môi trường của các dự án FDI, thu hút FDI vào cơ sở hạ tầng, nông nghiệp hiệu quả cao, dịch vụ chất lượng cao, các vấn đề ưu đãi, thuế, công tác quản lý nhà nước về FDI, công tác hỗ trợ nguồn lực đầu vào cho FDI, quan điểm, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới...
Luật đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987. Trải qua 30 năm thực hiện, khu vực đầu tư nước ngoài đã không ngừng mở rộng và phát triển, đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực phát triển năng động, đóng góp tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn xã hội, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế...
Theo báo VTV, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2017 đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Các hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trị giá gần 3,2 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Sự gia tăng này cộng với việc có thêm nhiều dự án đầu tư mới và tăng vốn đã giúp cho thu hút đầu tư nước ngoài nói chung đạt gần 22 tỷ USD, tăng tới 52% so với cùng kỳ năm 2016.
Không chỉ tăng mạnh về lượng, đầu tư nước ngoài cũng đã có sự cải thiện về chất khi có tới một nửa số vốn thu hút được là vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Còn các lĩnh vực như bất động sản, bán buôn, bán lẻ chỉ chiếm khoảng 5% mỗi loại.
Hàn Quốc hiện vẫn đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đứng thứ hai là Nhật Bản. Đáng chú ý, quần đảo Virgin thuộc Anh, hay còn được biết đến là một thiên đường thuế, vẫn giữ vững vị trí thứ 5 trong danh sách đầu tư vào Việt Nam. Tính lũy kế từ trước cho đến nay, quần đảo này cũng nằm trong top 5 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào việt Nam với gần 21,5 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)