Thị trường

Dự kiến xuất khẩu 40 nghìn tấn vải thiều Bắc Giang sang Trung Quốc

(DNVN) - Trong năm 2017, Bắc Giang dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 50 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 40 nghìn tấn, chiếm 80%.

Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2017 gần 30.000 ha, sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 100.000 tấn, giảm 30% sản lượng (tương ứng khoảng 42.000 tấn quả tươi) so với năm 2016 (nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường).

Trong đó, hơn 40.000 tấn quả được sản xuất theo công nghệ VietGAP, hơn 1.600 tấn sản xuất theo công nghệ GlobalGAP. Vải thiều chín sớm ước đạt khoảng 26.000 tấn (chiếm 26%), vải thiều chính vụ khoảng 74.000 tấn (chiếm 74%). Thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 20/5 đến ngày 15/6; vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ ngày 15/6 đến ngày 15/7/2017. Năm nay sản lượng vải thiều tuy giảm, song chất lượng, mẫu mã quả vải được đánh giá cao hơn những năm trước.

Dự kiến xuất khẩu 40 nghìn tấn vải thiều Bắc Giang sang Trung Quốc.

Về thị trường tiêu thụ, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2017, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng việc phát triển, mở rộng và đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ với phương châm thị trường nào cũng có vai trò quan trọng, cần được kết nối, khơi thông, có hướng đi riêng với mục tiêu là tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ tiêu thụ vải thiều.

Đối với thị trường xuất khẩu, thị trường truyền thống Trung Quốc được tỉnh quan tâm, xác định tiếp tục giữ vững và mở rộng; ngoài ra, tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Trung Đông, Canada…

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, để công tác xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá vải thiều trên các phương tiện thông tin truyền thông từ Trung ương đến địa phương. Tổ chức đoàn công tác của tỉnh đến làm việc với các ngành chức năng của các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, các cơ quan chức năng của thị Bằng Tường, huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện ưu tiên cho thông quan vải thiều.

Tăng cường phối hợp, kết nối giữa doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang với doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh hoa quả của tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa phương tiếp cận nghiên cứu thị trường, thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều.

Để tạo thuận lợi cho việc thông quan trong năm 2017, các cơ quan sẽ tăng thêm thời gian phục vụ cho công tác thông quan quả vải vận chuyển vải từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc địa bàn Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai. Việc thông quan sẽ kéo dài tới 21-22 giờ, thay vì chỉ tới 18 giờ; và thời gian làm thủ tục mỗi chuyến hàng cũng sẽ được giảm tối thiểu, khoảng 15 phút/chuyến.

 

Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã có buổi tiếp xúc, trao đổi với 70 doanh nghiệp thương nhân của Trung Quốc và gần 300 doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam về kế hoạch xuất khẩu vải thiều năm 2017. Được biết, đến nay đang có những tín hiệu rất khả quan cho việc xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Trung Quốc.

Đối với thị trường nội địa, xác định các thị trường có sức tiêu thụ lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là thị trường quan trọng; bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng, phát triển các thị trường mới, có tiềm năng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhằm tạo tính ổn định, bền vững trong chế biến, tiêu thụ vải thiều.

Cũng theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Giang, từ đầu vụ đến ngày 5/6/2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã tiêu thụ được 18.261 tấn vải thiều sớm; trong đó, riêng ngày 5/6 đã tiêu thụ được 2.251 tấn. Về thị trường tiêu thụ, gần 6.000 tấn vải thiều của Bắc Giang được xuất khẩu sang Trung Quốc, trên 5.000 tấn tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam và trên 7.000 tấn tiêu thụ tại các thị trường nội địa khác. Hiện giá bán vải thiều dao động từ 15 - 40 nghìn đồng/kg tùy theo chất lượng, mẫu mã quả vải.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo