Đủ kiểu cung cấp thông tin quy hoạch
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các quận, huyện không được ghi chú thông tin quy hoạch vào giấy chứng nhận, đồng thời phải tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế việc cung cấp thông tin quy hoạch đang được các quận, huyện thực hiện rất khác nhau.
Nơi một tuần, nơi cả tháng
Chị Dương Thị Trà Giang đang rao bán một căn nhà trên đường Lê Thị Hà, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Do người mua thường xuyên hỏi thông tin quy hoạch liên quan đến vị trí nhà đất nên chị Giang lên huyện xin được cung cấp văn bản thông tin quy hoạch để khách hàng yên tâm. Cán bộ phụ trách hướng dẫn chị nộp hồ sơ gồm một bản phôtô giấy chứng nhận có chứng thực (nếu có bản chính đối chiếu thì không phải chứng thực) và một bản phôtô chứng minh nhân dân. Sau đó, chị nhận giấy hẹn một tuần sau lên UBND huyện lấy kết quả. “Nếu cung cấp thông tin quy hoạch trực tiếp (không cần văn bản) thì hồ sơ cũng nộp tương tự và cũng được trả lời trong vòng một tuần lễ” - cán bộ tiếp nhận cho biết.
Đang làm thủ tục vay vốn, chị LTH, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, được phía ngân hàng yêu cầu phải có văn bản xác nhận quy hoạch vị trí nhà, đất trong hồ sơ thế chấp nhà, đất thì mới giải ngân. Chị H. đến Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức xin cung cấp thông tin quy hoạch bằng văn bản. Khác với huyện Hóc Môn, hồ sơ của chị chỉ cần một bản phôtô giấy chứng nhận có chứng thực, không cần phải có bản phôtô chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, thời gian hẹn trả kết quả lại lên tới 30 ngày.
Quận 1 cung cấp thông tin quy hoạch bằng văn bản trong thời gian bảy ngày nhưng không có hình thức giải thích trực tiếp. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục tại tổ tiếp nhận và trả kết quả, UBND quận 1. Ảnh: VIỆT HOA
Việc đơn giản nhưng thực hiện lâu
Theo tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng tại các quận 1, 9, 12, Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Thạnh có nhiều sự khác biệt về thời gian cũng như cách thức cung cấp thông tin quy hoạch. Có nơi chỉ giải quyết trong vòng 7-10 ngày làm việc (như quận 1, 12, Hóc Môn, Tân Bình), có nơi 15-20 ngày (Gò Vấp, quận 9), có nơi phải mất 20-30 ngày (Thủ Đức, Bình Thạnh). Ngoài ra một số quận, huyện nhận hồ sơ xin cung cấp thông tin quy hoạch trong tất cả ngày làm việc nhưng một số nơi khác như quận 9, Tân Bình chỉ dành một ngày trong tuần để nhận hồ sơ của dân.
Vấn đề đặt ra là tại sao việc giải thích thông tin quy hoạch trực tiếp có thể thực hiện ngay nhưng nếu muốn nhận văn bản thì người dân phải chờ rất lâu? Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều cán bộ địa chính cấp quận, huyện cho biết đây là công việc rất đơn giản, chỉ cần nhập đầy đủ dữ liệu vào máy tính là có ngay kết quả. Với một số trường hợp phức tạp có thể mất nhiều thời gian hơn nhưng cũng có thể xử lý trong ngày. Như vậy, “ách tắc” ở đây nằm ở khâu ký và phát hành văn bản.
Người được cung cấp thông tin: Cũng khác!
Một khác biệt đáng lưu ý nữa giữa các quận, huyện là quy định về người được xin cung cấp thông tin quy hoạch. Một số địa phương như quận 1, 12, Gò Vấp yêu cầu hồ sơ bao gồm bản phôtô giấy chứng nhận có chứng thực, bản vẽ hiện trạng và chỉ có người đứng tên trên giấy hồng (hoặc người được ủy quyền hợp pháp) mới được cung cấp thông tin quy hoạch. “Cần thiết phải làm như vậy để bảo mật thông tin cho chủ nhà, đất” - ông Lê Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, giải thích.
Trong khi đó, tại quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, bất kỳ người dân nào có bản phôtô giấy chứng nhận có chứng thực đều được quyền biết thông tin quy hoạch về vị trí nhà, đất mà họ có nhu cầu tìm hiểu thông tin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo