Thị trường

Đủ kiểu lách trần lãi suất

Những nỗ lực hạ lãi suất đang vướng phải rào cản lớn khi các ngân hàng tung ra hàng loạt thủ đoạn lách trần lãi suất tiền gửi.

Một số ngân hàng lợi dụng việc được phát hành trái phiếu để lách trần. Một cán bộ ngân hàng cho biết, “sếp” của ngân hàng này chỉ đạo các nhân viên sẵn sàng trả cho khách hàng phần lãi suất hưởng thêm 3%/năm, kỳ hạn 1 tháng, 2 hay 3 tháng, nhưng khách nhận bằng trái phiếu do ngân hàng phát hành. Anh này giải thích: Khách hàng có 10 tỉ đồng, ngân hàng sẽ làm sổ tiết kiệm 3 tỉ đồng với trần lãi suất quy định là 8%/năm, 7 tỉ đồng còn lại khách hàng mua trái phiếu. Phần lãi chênh lệch 3%/năm của 10 tỉ đồng, được trả trọn gói vào lãi suất trái phiếu phát hành vào cuối kỳ đáo hạn.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho biết theo quy định hiện hành, khi phát hành trái phiếu các ngân hàng phải xin phép cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, phát hành lượng tiền bao nhiêu, nhằm vào mục đích gì. Lãi suất huy động được ấn định nhưng đảm bảo ở mức phù hợp với lãi suất thị trường, nếu không đủ hấp dẫn khách hàng sẽ không mua. Năm 2012, chỉ có một số ngân hàng được phát hành trái phiếu, số lượng không nhiều.

 

Trong khi đó, nhận định về thủ đoạn lách trần này, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm nói trái phiếu là công cụ để các nhà băng huy động vốn, nhưng việc lợi dụng quá dễ dàng do cơ quan quản lý nhà nước đã lơ là trong kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, vấn đề hệ trọng hơn cả, theo TS Cao Sĩ Kiêm, việc lách trần hiện nay đang khiến lộ trình giảm lãi suất cho vay càng trở nên khó khăn, dù lạm phát 2012 chỉ ở mức 6,81% và năm 2013 Chính phủ quyết tâm giữ lạm phát ở mức thấp hơn, rất thuận lợi cho việc giảm lãi suất đầu ra.

 

Theo TS Kiêm, khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay còn quá xa, người gửi tiền đã chấp nhận chịu thiệt vì trần huy động giảm nhưng lãi vay thì vẫn cao. Nguyên nhân, một số ngân hàng lách trần huy động lãi suất tiền gửi khiến cho chi phí tăng, bên cạnh đó nợ xấu và trình độ quản trị yếu kém, bộ máy cồng kềnh khiến chi phí của các ngân hàng bị đội lên quá nhiều.

 “Các nhà băng yếu vẫn đang ngày đêm rình rập chạy ra thị trường 1 (thị trường dân cư) để huy động vốn. Bởi số nhà băng này không có tài sản thế chấp, không đủ hệ số tín nhiệm để được vay trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng). Anh yếu lách trần, anh khỏe sợ hút hết vốn, mất khách nên cũng phải đua theo. Nếu không xử lý được các ngân hàng huy động đầu vào cao thì làm sao giảm được lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước phải làm cho thị trường lành mạnh, xử lý ngay các ngân hàng lách trần, sắp xếp lập tức các anh yếu kém không để châm ngòi cuộc đua”, TS Kiêm đề xuất.

 

 

Đoàn Huế (Theo TNO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo