Pháp luật

Đủ kiểu mua bán thông tin cá nhân

Chỉ cần vài trăm ngàn đến vài triệu đồng là các nhân viên kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, bán hàng… dễ dàng có được cả chục ngàn số điện thoại di động để tha hồ quảng cáo, marketing sản phẩm qua tin nhắn.

Một trang web công khai mua bán danh sách khách hàng

Tại TPHCM, phóng viên được một người tên Bính giới thiệu về danh sách khách hàng cùng số điện thoại anh ta đang rao bán. Phóng viên gọi vào một số theo danh sách với chủ thuê bao tên Nguyễn Thị Lan (*). Chị Lan xác nhận thông tin trong bản danh sách hoàn toàn chính xác: nhà quận 1 (TPHCM), đang dùng điện thoại iPhone 5S, hệ điều hành là IOS 7.0, gói data đang sử dụng… Chị không rõ thông tin cá nhân của chị rơi vào tay người khác bằng cách nào.

Theo Bính, danh sách này cung cấp chính xác tên tuổi, địa chỉ, điện thoại và hệ điều hành mà người dùng đang sử dụng.

Ai cũng bán được 

Ngỏ ý cần mua danh sách khách hàng (giới kinh doanh thường gọi là database - PV) để quảng cáo bất động sản, phóng viên được giới thiệu đến một cửa hàng điện thoại có địa chỉ trên đường Tô Ngọc Vân (thuộc phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM). Tại đây, nhân viên tên Trung giới thiệu danh sách khách hàng của cửa hàng mình thuộc tốp uy tín và chất lượng.

Trung nói đang có một danh sách khách hàng tầm 500 ngàn đầu số thuê bao di động trả sau, nếu tính cả thuê bao trả trước thì con số này lớn hơn nhiều. “Không chỉ TPHCM, anh muốn lấy danh sách ở tỉnh nào em cũng có thể cung cấp cho anh, giá mỗi đầu số thuê bao là 20 đồng, anh muốn mua bao nhiều thì cứ thế mà nhân lên”, Trung nói.

Trung cho biết, do có người quen làm ở một nhà mạng nên xin được những danh sách này. Trung còn đảm bảo tin nhắn quảng cáo, marketing sản phẩm của mình thuộc dạng chất lượng và hiện đại nhất hiện nay bởi như những cửa hàng khác, khi tin nhắn được nhắn đến khách hàng sẽ không hiện tên mà hiện số sim rác, gây khó chịu, bên Trung thì ngược lại.

“Anh có thể tạo tên thương hiệu, tên công ty như số của tổng đài thường hay nhắn khuyến mãi cho mình dù trong danh bạ không lưu tên, việc này sẽ tạo độ tin cậy và không có cảm giác làm phiền. Với dịch vụ này, em sẽ lấy anh 250 đồng/tin nhắn, mỗi lần nhắn khoảng vài ngàn số”, Trung nói.

Trung còn cho biết thêm, các ngân hàng, công ty… đều có thể là nơi bán danh sách khách hàng. “Danh sách khách hàng ở các ngân hàng được phân loại cụ thể như khách hàng thường xuyên, khách hàng gửi tiết kiệm 1 tỷ, 2 tỷ… nên rất có chất lượng, vì thế, giá cũng rất cao, tầm 1.000 đồng/đầu số”.

Bính, nhân viên Công ty TNHH Dịch Vụ & Thương mại viễn thông KASIM có trụ sở ở Hà Nội giới thiệu qua điện thoại một danh sách có đầy đủ cả địa chỉ, tên tuổi, gói dữ liệu và kể cả điện thoại mà khách hàng đang sử dụng. 

Theo Bính, có được danh sách khách hàng này, ngoài việc dùng để nhắn tin quảng cáo bất động sản, sản phẩm, bảo hiểm… người ta có thể kinh doanh các dịch vụ khác như bán game, phần mềm điện thoại…

“Vừa rồi em mới bán được một danh sách khách hàng khoảng 6,5 triệu số khu vực miền Trung cho một anh ở Đà Nẵng với giá 43 triệu đồng. Hiện em có 1,6 triệu số tại TPHCM, nếu anh mua em sẽ lấy 16 triệu đồng Hà Nội có 900 ngàn số, em lấy anh 9 triệu đồng”, Bính nói.

Đủ loại danh sách

Rảo một vòng trên mạng xã hội, không khó để tìm được những trang web mua bán danh sách khách hàng. Trang web “danh sách khách hàng 2014” có hàng trăm danh sách được phân loại cụ thể như danh sách 2.230 khách hàng mua bất động sản tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng TPHCM; danh sách 700 khách hàng đang hoạt động tại sàn vàng TPHCM; danh sách 4.000 khách hàng đầu tư chứng khoán TPHCM; danh sách 3.000 khách hàng sở hữu xe ô tô tại TPHCM; danh sách những người có thu nhập trên 5 triệu, 10 triệu… Việc mua bán danh sách được thực hiện qua email, giá thấp nhất 500- 700 ngàn đồng/danh sách.

Trang “Mua bán danh sách database khách hàng VIP nhất” đăng tải khoảng 50 danh sách gồm danh sách 50.400 khách hàng thu nhập cao tại TPHCM, trên 20 triệu đồng/tháng; danh sách 17.500 giám đốc các công ty tại Hà Nội; danh sách 11.000 giám đốc các công ty tại TPHCM; danh sách 20.000 khách hàng gửi tiết kiệm ngân hàng tại TPHCM; danh sách 7.600 nhà giàu tại TPHCM; danh sách 4.000 sinh viên trường đại học tại TPHCM… mỗi danh sách giá 500 ngàn đồng.

Một nhân viên bảo hiểm tại TPHCM cũng đang rao bán danh sách 200.000 khách hàng tiềm năng của công ty bảo hiểm, người gửi tiết kiệm, người mua hàng Nguyễn Kim... giá 1 triệu đồng. Theo nhân viên này, đây là danh sách anh ta thu thập được từ nhiều nguồn trong quá trình làm việc như trao đổi giữa các đồng nghiệp, mua từ các trung tâm mua sắm… 

Liên hệ với một người tên Nam, số điện thoại 0932138xxx, chúng tôi được Nam quảng cáo hiện đang có một danh sách 67.000 người tại TPHCM với đầy đủ các thông tin như tên cá nhân, số điện thoại di động, email, chức vụ, công ty làm việc, địa chỉ, tell/fax…

Lê Thị Thu Hương, một nhân viên kinh doanh bất động sản đang phụ trách bán căn hộ tại quận Tân Phú, TPHCM cho biết, mỗi tuần 2-3 lần, Hương phải quảng cáo căn hộ mình đang bán tới khoảng 10 ngàn số điện thoại với giá 280 ngàn đồng/lần. Theo Hương, danh sách này cô được “sếp giao cho, ngoài ra, sếp còn cho thêm một danh sách khoảng 100 khách hàng tiềm năng để chúng em gọi điện chào mời”.

“Làm nghề này cũng khổ lắm, nhiều lúc đang ngồi thì có người gọi đến chửi một trận vì suốt ngày cứ nhắn tin mua nhà, mua đất, một số khác có nhu cầu mua thì lại ở tận ngoài Hà Nội nên thôi. Riêng danh sách 100 khách hàng tiềm năng mà sếp giao, chúng em buộc phải gọi và cũng bị “ăn chửi” nhiều nhất bởi những người này thuộc dạng giàu có nên họ rất bực mình khi có ai đó biết được số điện thoại hay thông tin cá nhân của họ”, Hương nói.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM cho biết, việc mua bán thông tin cá nhân như số điện thoại khi chưa được sự đòng ý của chủ thể là hành vi nghiêm cấm, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc người sử dụng danh sách này để kinh doanh tin nhắn rác cho khách hàng cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

“Các bên sử dụng tin nhắn rác phải trên cơ sở hợp đồng giữa người cung cấp tin nhắn và người nhận tin nhắn. Nếu chủ sở hữu không có mong muốn nhận tin nhắn rác nhưng tin nhắn rác vẫn được gửi đến thì họ có quyền khiếu nại, yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên gửi tin nhắn rác và bên cung cấp thông tin. Trường hợp này, bên gửi tin nhắn rác có thể bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 100 triệu đồng”, luật sư Hậu nói.

Theo Tiền Phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo