Pháp luật

Đủ kiểu trốn thuế

Hiện tượng gian lận thuế phổ biến là kê sai hàng hóa nhập khẩu và lợi dụng chính sách ân hạn thuế

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2012 của Tổng cục Thuế cho thấy tính đến hết tháng 5/2012, số nợ thuế khó thu  là 5.150 tỉ đồng. Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm 2012 là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế và thu hồi nợ đọng thuế.

Hàng ngàn doanh nghiệp “mất tích”

Theo các cơ quan thuế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thu và nợ đọng thuế, song đáng kể hơn cả là doanh nghiệp lợi dụng chính sách ân hạn thuế để nhập khẩu hàng hóa rồi bán hết trong thời gian cho phép, sau đó  bỏ trốn hoặc ngưng hoạt động. Đơn cử, có 2 cá nhân đã từng hợp tác với nhau thành lập đến 5 công ty. Doanh nghiệp này nhập khẩu nhiều lô hàng đưa ra thị trường tiêu thụ trong thời gian ân hạn thuế, rồi tự giải tán và chuyển sang doanh nghiệp khác để tiếp tục nhập khẩu hàng hóa. Khi cả 5 công ty giải tán cũng là lúc hơn 6,4 tỉ đồng tiền thuế rơi vào tình trạng khó đòi.

Lãnh đạo một chi cục thuế ở TP.Hồ Chí Minh cho hay cơ quan Hải quan đã phối hợp với chi cục để xác minh doanh nghiệp nợ thuế. Thế nhưng, khi cơ quan thuế tiến hành kiểm tra thì không ít doanh nghiệp đã biến mất, chủ yếu do doanh nghiệp lợi dụng chính sách ân hạn thuế để nhập khẩu hàng hóa. Đến hạn nộp thuế, doanh nghiệp lại chây ì rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Điều này được thể hiện khá rõ khi Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh công bố năm 2011, trên địa bàn thành phố có đến 3.150 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng ân hạn thuế, hiện nay, ngành hải quan chỉ áp dụng chính sách này đối với doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ cũng trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung, trong đó quy định doanh nghiệp được ân hạn thuế 275 ngày phải có ngân hàng bảo lãnh số tiền nộp thuế. Đây được xem là một trong những giải pháp chống thất thu thuế.

Gian lận mã hàng hóa, giá tính thuế...

Thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập và tiêu cực liên quan đến thuế. Ví dụ, cùng một mặt hàng nhập khẩu nhưng lại được phân ra nhiều tính năng, chủng loại; mỗi loại có mức thuế suất khác nhau, thậm chí 0%. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều doanh nghiệp lách quy định áp mã hàng hóa để trốn thuế. Dù cơ quan thuế đã có giải pháp áp mức thuế nhất định cho cùng một mặt hàng nhưng thực tế, nhà nhập khẩu vẫn có thể kê khai số lượng hàng hóa ít hơn so với số thực nhập, hoặc bắt tay với nhân viên hải quan để gian lận về số lượng hàng hóa, từ đó dẫn đến thất thu thuế.

Do ngành hải quan còn áp thuế theo giá hàng hóa nên không ít doanh nghiệp đã tìm cách gian lận. Anh L.H.D, nhân viên của một công ty kinh doanh máy bơm, cho biết: “Tuy cơ quan thuế đã đưa ra mức giá nhất định để tính thuế nhưng doanh nghiệp vẫn có thể nhập khẩu loại máy bơm có giá cao hơn mức mà cơ quan thuế đưa ra để trốn thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu máy bơm còn phối hợp với đối tác nước ngoài, rồi kê khai giá mua hàng hóa thấp hơn thực tế nhằm trốn thuế GTGT. Sau đó, đối tác nước ngoài sẽ đến Việt Nam để nhận số tiền chênh lệch, khiến cơ quan thuế gần như bó tay”.

 

 

Thanh Vân (Theo NLĐ)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo