Thị trường

Du lịch đường sông thiếu bến đậu

Ngoài ra còn thiếu các dịch vụ kỹ thuật, vui chơi, giải trí nên du lịch trên sông Sài Gòn rất đơn điệu.

Một doanh nghiệp đầu tư thuyền buồm tại TP.Hồ Chí Minh kể trong một hội nghị gần đây ở nước ngoài, khoảng 80 chủ tàu thuyền du lịch cho biết rất muốn đến TP.Hồ Chí Minh. Họ đã tìm hiểu kỹ về cầu cảng, bến đậu, dịch vụ... nhưng khi biết thực tế thiếu thốn trăm bề, các doanh nghiệp này đành từ bỏ ý định.

Phải neo tàu ở bến “chui”

Sau sự kiện chìm tàu Dìn Ký (5/2011), các tuyến du lịch đường sông bị ảnh hưởng nặng, nhiều tuyến điểm gần như tê liệt. Đầu tư thiết bị an toàn để hút khách trở lại thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng điều làm họ đau đầu là chuyện bến đậu tàu.

Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, chia sẻ thời gian gần đây có một dịch vụ được khai thác khá tốt là tàu du lịch Sài Gòn nhưng lại thiếu bến neo đậu. Thời gian được phép neo tàu không thuận lợi: 18 giờ đến 22 giờ 30 mỗi ngày và 11 giờ 30 đến 14 giờ trưa Chủ nhật (thời gian diễn ra tiệc tự chọn tại khu du lịch). Hơn nữa, tàu không được phép kinh doanh thêm vào ban ngày nên doanh thu hạn chế. Việc phải neo đậu chung bến với tàu cánh ngầm ảnh hưởng đến hoạt động đón trả khách. Vào thời điểm không được phép neo ở bến, buộc phải đậu ngay giữa sông khiến việc tiếp tế nhiên liệu và thức ăn để duy trì hoạt động rất vất vả.

Cũng theo ông Long, không chỉ khó neo tàu, trước cổng vào bến cũng không có chỗ đậu xe. Để triển khai tour du lịch sông, tổng chi phí đi lại, phương tiện chuyên chở, chi phí bến neo đậu… khá cao nên giá tour cao hơn so với các tour đường bộ.

 

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Cho đến nay ông Nguyễn Hoài Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền Nam Sài Gòn, cho rằng bến bãi vẫn chủ yếu phục vụ cho tàu vận chuyển hàng hóa, chưa có điểm dành riêng cho tàu du lịch. “Chúng tôi từng xin cập bến Vườn Kiểng nhưng thủ tục nhiêu khê quá, phải xin phép cảng vụ, đóng tiền rồi mới làm việc được với Vườn Kiểng. Nếu làm việc trực tiếp với cảng hành khách phải tốn 1 triệu đồng một lần cập bến” - ông Phúc nói.

Một doanh nghiệp lớn đang khai thác tuyến du lịch rừng ở Cần Giờ than thở, để phát triển thêm du lịch đường sông, doanh nghiệp này phải đậu nhờ một bến tàu “chui”, chưa được cấp phép nên vừa đậu vừa lo. Trong khi đó muốn xây bến tàu rất khó khăn, không chỉ chờ quy hoạch, một số điểm ưng ý đã bị dân cư lấn chiếm hết.

Thiếu từ bến đến kỹ thuật, dịch vụ…

Theo ông Vũ Văn Nam, Phó Trưởng phòng Lữ hành Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, nhiều vị trí có thể xây cầu cảng thì hai bên bờ sông bị lấn chiếm gần hết, gây ảnh hưởng mỹ quan, kéo theo vấn đề vệ sinh, rác thải. Bên cạnh đó, hệ thống cầu tuyến sông Sài Gòn xây thấp nên du thuyền khó vào. Tình trạng quy hoạch không theo tổng thể, chạy theo dự án càng làm cản trở phát triển du lịch đường sông.

Để giải quyết vấn đề, “cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây bến tàu phục vụ du lịch với mức đầu tư ít. Thay vì một số dự án quá lớn như hiện nay, đã triển khai chậm lại chưa chắc hiệu quả. Đơn cử một cầu cảng ở quận 8, nhà đầu tư đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng mà không khai thác được. Nếu biết cách khai thác chỉ cần vài trăm triệu đồng là một bến cảng hoàn toàn có thể phục vụ du lịch và các dịch vụ khác” - ông Nam nói thêm.

Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh, giải thích không cho neo tàu du lịch là do bến đậu không thể đáp ứng, không cho đậu xe vì đường quá hẹp. Việc xây bến tàu du lịch, Sở không làm khó nhà đầu tư mà do dự án đưa ra không đáp ứng đủ yêu cầu về đảm bảo an toàn. Kế hoạch chỉnh trang lại bến Bạch Đằng và thêm một số bến mới đã được Sở trình lên UBND thành phố.

Một yếu tố mấu chốt khác là thiếu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ kèm theo bến tàu như cây xăng, điểm dừng chân... “Tuyến du lịch mà đi một hơi 2-3 tiếng đồng hồ không có điểm dừng chân rất dễ gây mệt và chán. UBND thành phố đã cho lập dự án mới quy hoạch tổng thể và giao cho Sở triển khai” - bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, Phó Trưởng phòng Văn xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh, cho biết.

Một số doanh nghiệp nêu ý kiến nên cho xây khu giải trí quy mô vừa và nhỏ bên hoặc trên sông, nằm giữa các tuyến đi. Như vậy, du khách sẽ tận hưởng thêm nhiều dịch vụ trên sông nước, thay vì phải ngồi trên tàu đi một hành trình dài chỉ để “dòm” quang cảnh đơn điệu hai bên.

 

Nghiên cứu thêm mô hình ở các nước

Các tuyến du lịch đường sông ở nhiều nước phát triển đơn giản mà lại rất tốt. Chẳng hạn, trên sông Moscow (Nga) có dòng sông chảy quanh co đưa khách tham quan thành phố với nhiều điểm dừng, bến trung chuyển. Bangkok (Thái Lan) thì có chợ nổi, đi qua chùa, dưới sông có rất nhiều cá, khách có thể thả thức ăn xuống khá thú vị dù nước sông không trong lắm. Tại Quế Lâm (Trung Quốc), ban ngày có tour đi dọc sông Ly ngắm quang cảnh đa dạng núi đá vôi như núi Mắt Voi, núi Vòi Voi, núi Tàu Chiến... Trên sông có nhiều ngư dân đánh bắt cá bằng… con chim cốc.



Thùy Bích (Theo Pháp luật TP.HCM)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo