Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường còn có nhiều kẽ hở
Theo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường số 4, chất thải là các chất thải bỏ, không có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, khái niệm trên vẫn chưa rõ ràng, cụ thể nên thường tạo ra các kẽ hở giúp cho doanh nghiệp dễ dàng lách luật, hiện tượng nhập khẩu chất thải vào nước ta dưới dạng phế liệu ngày càng phổ biến.
(TTXVN) Đây là một trong những nội dung được "mổ xẻ" triệt để tại hội thảo “Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tổ chức hôm qua (1/8).
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, hiện nay, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi số 4 có vẻ “né tránh” vấn đề nhập khẩu phế liệu. Cụ thể, dù có quy định tại điều 3 khoản 15, nhưng trong cả chương VIII "Quản lý chất thải" lại không có nội dung nào đề cập đến vấn đề rắc rối này.
"Suy rộng ra, việc này hàm ý 'đối xử' với 'phế liệu' nhập khẩu (thực chất là chất thải) như những chất thải khác và có thể được hưởng các 'chính sách ưu đãi." Đây thực sự là sự lập lờ cực kỳ nguy hiểm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu tràn lan," ông Hòe nói.
Cũng theo ông Hòe, thực tế phế liệu được nhập khẩu trong thời gian qua bao giờ cũng chứa một tỷ lệ nhất định chất thải nguy hại. Theo đó, tái xuất không được, trả lại bên xuất không được đã khiến hàng trăm container "phế liệu" nằm ỳ ở cảng, mà chưa biết xử lý thế nào.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Lê Bích Thủy, cán bộ Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng việc nhập khẩu phế liệu tràn lan đang là mối nguy, ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo môi trường.
"Thực tế, tác động của quá trình kinh doanh và sản xuất phế liệu lên môi trường rất rõ ràng. Trong quá trình bốc dỡ, vận chuyển, lưu giữ, tái chế... các phế liệu nhập khẩu, các thành phần của nó sẽ tác động lên các yếu tố môi trường, làm thay đổi hiện trạng môi trường và gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra các phế liệu loại thải thường chứa các tạp chất không mong muốn, gây tác hại lên môi trường và sức khỏe con người," bà Thủy phân tích.
Về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm đối với làng nghề, theo vị Tổng thư ký Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trong quản lý môi trường hiện đại, các khái niệm “cộng đồng”, hay “sự tham gia của cộng đồng” và “xã hội hóa” rất quan trọng nhưng dự thảo Luật chưa rõ nên cần xác định rõ khái niệm cộng đồng và tạo quyền cho cộng đồng.
"Luật quy định vấn đề bảo vệ môi trường đối với làng nghề khó có thể áp dụng rộng rãi cho làng nghề bởi hiện nay, các hộ dân trong làng nghề là những hộ cá thể, thường thiếu sự hợp tác đủ mức để cùng chăm lo đến môi trường. Bên cạnh đó, các làng nghề thường sử dụng công nghệ lạc hậu, quản lý nghề theo kiểu gia đình truyền thống, khó áp dụng chế tài với cộng đồng nông thôn. Bởi vậy, Luật nên chăng quy định rõ những nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng cần chuyển sang khu quy hoạch cho sản xuất riêng, không được sản xuất trong làng," ông Hòe phân tích.
Để giải tháo gỡ những khó khăn nêu trên, ông Hòe cho rằng Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về Hồi tố môi trường giúp cho việc xử lý các vấn đề môi trường được nhận diện sau khi dự án hay hành động xâm hại môi trường đã kết thúc nhưng di hại cho môi trường vẫn đang hiện hữu.
Ngoài ra, để có thể đảm bảo an ninh môi trường, các chuyên gia có mặt tại hội thảo cũng kiến nghị Luật cần xây dựng và hoàn thiện các quy định về an ninh môi trường, hoặc một bộ chỉ thị nhạy cảm để nhận diện và phân loại các vấn đề môi trường theo mức độ "mất an ninh về môi trường," nhằm cảnh báo sớm khi môi trường quốc gia hay khu vực trở nên kém an ninh hơn. Hay ít nhất, theo các chuyên gia, an ninh môi trường cần được bổ sung như một khoản mới../.
Hùng Võ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo