Tài chính - ngân hàng

Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục

Đồng thời, tính đến ngày 19/12 tín dụng đã tăng 11,8% so với cuối 2013. Tăng trưởng tín dụng năm 2014 dự kiến đạt 13%.

Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Chiều nay (23/12), Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thường kỳ tháng 12/2014 báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2014, định hướng giải pháp điều hành năm 2015.

Bà Đỗ Thị Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2014, kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi nhưng chưa bền vững và đồng đều, lạm phát có xu hướng giảm, hầu hết các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thị trường tài chính chứa đựng nhiều rủi ro với giá vàng biến động phức tạp, đồng USD tăng giá, giá dầu thô giảm mạnh.

Ở trong nước, kinh tế vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương và các giải pháp điều hành của Chính phủ. Các cân đối vĩ mô lớn cải thiện, lạm phát ổn định ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn cùng kỳ năm 2012 và 2013, dự kiến cả năm vượt mức mục tiêu 5,8%.

Trên cơ sở bám sát mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, và nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2014, trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đến ngày 19/12, tổng phương tiện thanh toán tăng 15,65% so với cuối năm 2013, phù hợp với chỉ tiêu định hướng 14-16% đề ra từ đầu năm. Huy động vốn tăng 15,15%, trong đó huy động vốn bằng VND tăng khá cao 16,31% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.

Mặt bằng lãi suất giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013, tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.

 Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 10,65%, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013. Đường cong lãi suất hình thành rõ nét, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài và ổn định hơn, giảm chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ và giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả trong nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng năm 2014 dự kiến đạt chỉ tiêu định hướng 12-14% đề ra từ đầu năm; trong đó đến ngày 19/12tín dụng đã tăng 11,8% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, niềm tin vào VND được củng cố, nhờ đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục. Tình trạng đô la hóa tiếp tục giảm (tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,6%, giảm so với mức khoảng 12,4% của cuối năm 2012-2013).

Vẫn theo bà Nhung, về diễn biến trên thị trường vàng, được đánh giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, góp phần hạn chế việc sử dụng ngoại tệ của Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế.

Trên cơ sở bám sát mục tiêu của Quốc hội tại Nghị quyết số 77, Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu và các giải pháp lớn về điều hành chính sách tiền tệ năm 2015 trong đó chú trọng tới mục tiêu điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác.

 

Đoàn Huế (ảnh minh họa)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo