Pháp luật

Đưa kinh doanh tạm nhập, tái xuất vào “quỹ đạo”

Tổng Cục Hải quan đã tăng cường kiểm tra, thanh tra, chống thất thu và gian lận thương mại...; không để tổ chức, cá nhân lợi dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước để trốn thuế, trong đó có chính sách tạm nhập, tái xuất.

Theo báo cáo của Tổng Cục Hải quan tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013 tổ chức sáng 15/1, năm 2012, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ 24.164 vụ việc vi phạm (tăng 19% so với năm 2011), trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 378 tỷ 789 triệu đồng. Thu nộp ngân sách ước đạt 219 tỷ 311 triệu đồng (tăng 28% so với năm 2011)...Nhiều doanh nghiệp tạm nhập nhưng không tái xuất mà tìm mọi cách đưa tiêu thụ nội địa trong khi công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất rất khó khăn, đặc biệt là mặt hàng xăng, dầu. Bởi phần lớn các vụ mua bán trái phép mặt hàng này đều xảy ra ở hải phận quốc tế. Các doanh nghiệp không chấp hành quy định về hàng hóa tạm nhập, tái xuất như đi sai tuyến đường, xuất hàng sai địa điểm tái xuất ở cửa khẩu, thậm chí, có doanh nghiệp đã phá dỡ container, tẩu tán hàng hóa vào tiêu thụ tại nội địa...

Ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan đánh giá, năm 2012, dù đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát với hàng hóa tạm nhập, tái xuất, song tình hình vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng hải quan.
 
Đơn cử, khi phát hiện lô hàng vi phạm, việc xử lý phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Thực chất các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong quá trình tạm nhập, tái xuất hàng hóa chỉ là người cung cấp dịch vụ làm thủ tục hải quan, giao nhận và vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam để được hưởng phí dịch vụ. Chủ sở hữu hàng hóa phần lớn là người nước ngoài và ở nước ngoài nên rất khó xử phạt...
 
Theo lãnh đạo Tổng Cục Hải quan, để đảm bảo hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan tuân thủ đúng quy định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg. Dựa trên một số nội dung nêu tại Chỉ thị này, cùng với các bộ, ngành liên quan, Tổng Cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Thông tư bổ sung quy định về quản lý hàng tạm nhập, tái xuất như: Thời hạn hàng được lưu giữ tại Việt Nam; Không cho phép chuyển loại hình kinh doanh tạm tạm nhập, tái xuất sang tiêu thụ nội địa đối với nhóm mặt hàng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt cao và hàng phải có giấy phép của Bộ Công Thương…

Tổng Cục Hải quan cũng chỉ đạo các cục hải quan địa phương tổ chức kiểm tra sau thông quan đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất có dấu hiệu rủi ro, có tờ khai chưa thanh khoản quá hạn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh sai phạm, yếu kém của khâu thông quan.
 
Sắp tới, lực lượng hải quan sẽ chỉ cho phép doanh nghiệp tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu đã đăng ký tạm nhập, trường hợp muốn thay đổi cửa khẩu tái xuất phải được Hải quan cửa khẩu tạm nhập chấp thuận. Ngoài ra, tất cả hàng tạm nhập, tái xuất sau khi làm thủ tục tạm nhập vào Việt Nam sẽ được niêm phong hải quan và gắn seal điện tử. Các seal này sẽ cho phép ngành hải quan có thể theo dõi sát hành trình của lô hàng thông qua trung tâm giám sát...

 

 

Thái Bình (Theo KTĐT)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo