Đưa phong bì cho bác sĩ bị phạt 30 triệu đồng
Từ 31/12/2013, nhiều quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực. Trong đó, sẽ phạt đến 30 triệu đồng đối với “hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh”. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết không cấm cán bộ y tế nhận quà sau điều trị, vì đấy là tấm lòng của bệnh nhân...
Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có nhiều điểm mới. Trong đó, áp dụng phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi “thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa mà không được sự đồng ý của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh”.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền 10 - 15 triệu đồng nếu không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khi tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn.
Đáng lưu ý, sẽ phạt đến 30 triệu đồng đối với “hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh”. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực y tế được thực hiện theo quy định tại điều 52 của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Từ lâu, nhiều bệnh viện đã áp dụng quy định cấm bác sĩ nhận, người bệnh đưa phong bì nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này. Nhiều người thừa nhận rằng, việc đưa và nhận phong bì trong các bệnh viện đã trở thành thông lệ.
Có điều phong bì ấy được người nhà bệnh nhân biếu trước để các bác sỹ nhiệt tình hơn trước khi phẫu thuật (hoặc điều trị) hay là để "cảm ơn" sau khi bệnh nhân đã được điều trị?
Bộ trưởng: Nhận quà/phong bì sau điều trị là "tấm lòng của người bệnh"
Trước đó, tháng 3/2013, Bộ Y tế đã tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho hàng trăm lãnh đạo, điều dưỡng các bệnh viện, sở y tế, trong đó có cam kết nói không với phong bì “trước và trong điều trị”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu từ giám đốc đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết “nói không với phong bì”. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị, còn sau đó lại là vấn đề khác.
"Cấm cán bộ y tế nhận phong bì, quà cáp trước và trong quá trình điều trị nhưng không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị, vì đó là tấm lòng của người bệnh...".
“Trong miền Nam, bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi và nói “nếu bác sĩ không nhận quà thì bệnh của tôi không khỏi được. Quà này là quà nghĩa tình", Bộ trưởng giải thích. .
Tuy nhiên, ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Khám - chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng cần thay đổi quan điểm “bệnh nhân phải cảm ơn thầy thuốc”. “Nếu cho phép bác sĩ nhận phong bì sau khi điều trị dễ nảy sinh tâm lý chờ đợi bệnh nhân cảm ơn và nếu họ không cảm ơn thì lại “tê tê buồn buồn”. Tại sao bệnh nhân - khách hàng đem tiền đến cho BV, nuôi sống các bác sĩ mà họ lại phải đi cảm ơn? Tại sao bác sĩ không chủ động cảm ơn bệnh nhân, chủ động cúi chào bệnh nhân?”
Theo bác sĩ Bùi Quốc Công, phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện E Hà Nội, "văn hóa phong bì" đã trở thành nét riêng ở Việt Nam, nó hiện diện trong muôn mặt của cuộc sống, từ đám cưới, đám ma tới hội họp, ký kết.
Theo ông Công, trong bệnh viện "văn hóa phong bì" có hai mặt: Sẽ là mất đạo đức khi vòi vĩnh bệnh nhân, nhưng thành niềm vinh dự nếu vì y bác sĩ làm tốt, làm đúng mà người bệnh muốn tự nguyện tặng để thưởng, cảm ơn.
"Sự ghi nhận của người bệnh có thể chỉ là một lời khen, nhưng nếu thêm vật chất rõ ràng càng đáng trân trọng, tất nhiên cũng phải tùy điều kiện của họ", bác sĩ Công nói.
Bác sĩ Công kể, nhiều người sau khi bệnh nhân được mổ thành công, dù bác sĩ gây mê không hề trực tiếp gặp trước đó nhưng tới mấy ngày sau họ vẫn tìm bằng được để nói lời cảm ơn, trân trọng.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo