Tài chính - ngân hàng

Đưa thương hiệu gạo Việt ra nước ngoài

Doanh nghiệp Việt đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng lúa, đầu tư hệ thống xay xát và làm thương hiệu riêng cho sản phẩm lúa gạo để chinh phục thị trường...

Ảnh: V.TR.

 

Một số doanh nghiệp VN đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng lúa, đầu tư hệ thống xay xát và làm thương hiệu riêng cho sản phẩm lúa gạo để chinh phục thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

 
"Khi gạo Nosavina có được thị trường ổn định ở nước ngoài, cơ hội của nông dân cũng rất lớn nếu họ tham gia các cánh đồng lớn và sản xuất giống lúa chất lượng cao sẽ bán được giá cao, lợi nhuận tăng. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của tôi khi xây dựng thương hiệu gạo Việt rồi mang ra nước ngoài bán” Ông Phạm Văn Bên (chủ doanh nghiệp Cỏ May).
 
Từ năm 2014, sau hơn 20 năm xuất khẩu gạo thô, DNTN Cỏ May (Đồng Tháp) quyết định xây dựng thương hiệu cho loại gạo cao cấp nhất có tên Nosavina rồi đem ra nước ngoài bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
 
Chinh phục thị trường ngoại
 
Sau khi tính toán kỹ mọi yếu tố, ông Phạm Văn Bên, chủ doanh nghiệp Cỏ May, quyết định chọn Singapore mở văn phòng giao dịch đầu tiên bán gạo thương hiệu Nosavina vì quãng đường từ các cảng ở VN đến nước này ngắn, chi phí vận chuyển thấp sẽ giúp cạnh tranh được với gạo Thái Lan đang được tiêu thụ tại đây.
 
“Mỗi tháng Singapore nhập khẩu gần 200.000 tấn gạo. Chỉ cần nắm được 5-10% thị phần đã quá thành công rồi, không cần tìm thêm các thị trường khác và cũng sẽ không sản xuất gạo cấp thấp nữa” - ông Bên nói.
 
Đầu tiên, Công ty Cỏ May đem một số loại gạo ngon nhất ở ĐBSCL vừa thu hoạch xong tặng người dân Singapore ăn thử. “Những người Singapore ăn thử gạo của chúng tôi đã nói rằng lần đầu tiên họ biết gạo có mùi thơm, mềm và ngon như vậy. Trước giờ họ ăn cơm lạt nhách, chẳng có mùi vị gì. Chúng tôi xem thử gạo mà họ đang sử dụng thì phát hiện toàn gạo cũ được thu hoạch, chế biến từ nhiều tháng trước” - ông Bên kể.
 
Nhận thấy thị trường phản ứng tích cực, doanh nghiệp quyết định mở văn phòng Cỏ May Singapore và thuê hẳn chuyên gia thị trường tại đây phụ trách văn phòng đại diện để xúc tiến việc đàm phán bán gạo Nosavina cho hệ thống siêu thị.
 
Hiện việc đàm phán đang tiến triển tốt, kho bãi đã thuê xong. Dự kiến sau khi hoàn tất thủ tục trong quý 1-2015, Cỏ May bắt đầu vận chuyển gạo Nosavina sang Singapore để bán. Từ thị trường Singapore, DNTN Cỏ May có kế hoạch phát triển sang nước láng giềng Malaysia.
 
Để sản xuất loại gạo cao cấp thương hiệu Nosavina, DNTN Cỏ May đã nhập hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại từ Nhật để chế biến gạo, đặc biệt là máy tách màu. Máy tách màu này sẽ loại hết gạo khác màu, chỉ giữ lại những hạt gạo cùng một màu trắng trong để đóng gói thương hiệu Nosavina. Tỉ lệ tấm trong gạo Nosavina chỉ 0-4%.
 
Và để có được nguyên liệu chế biến gạo cao cấp, Cỏ May phải chọn những thửa ruộng có hạt lúa đạt chất lượng cao trong các cánh đồng lớn, gieo sạ cùng một loại giống để mua. Thương lái được ủy quyền săn tìm mua loại lúa này với giá cao hơn thị trường 300-400 đồng/kg, sau đó đem xay xát, bóc vỏ bán lại cho nhà máy tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp.
 
 
Theo tính toán của DNTN Cỏ May, giá gạo Thái Lan đang bán tại Singapore khoảng 2 USD/kg. Gạo Nosavina có chất lượng cao, nhưng chỉ cần bán cho hệ thống siêu thị chừng 1,2 USD/kg thì cả doanh nghiệp và nông dân đều có lợi.
 
Chi phí sản xuất 1kg gạo Nosavina hiện nay vào khoảng 14.000 đồng/kg, tức lợi nhuận đạt 7.000-8.000 đồng/kg. Trong khi đó xuất khẩu gạo truyền thống hiện nay lợi nhuận chỉ đạt 1.000 đồng/kg.
 
Theo ông Bên, trước nay giá lúa gạo của VN thấp hơn của Thái Lan không phải do chất lượng của họ hơn chúng ta, mà chủ yếu phương thức kinh doanh của chúng ta dễ bị chèn ép.
 
“Chúng ta nói xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới nhưng coi kỹ lại xem chúng ta bán gạo bằng cách nào. Các doanh nghiệp nước ngoài đặt văn phòng, chi nhánh ở VN rồi ngồi xem các doanh nghiệp trong nước đấu đá với nhau để họ chọn doanh nghiệp cung cấp giá thấp nhất. Nếu cứ xuất khẩu gạo kiểu này, nông dân chẳng bao giờ khá lên được. Chúng ta nói là xuất khẩu gạo 5% là gạo cao cấp, nhưng thực tế chẳng khác nào gạo được một số nước mua để viện trợ cho những nước khó khăn” - ông Bên phân tích.

Làm thương hiệu từ chuỗi liên kết
 
Bên cạnh tập trung xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp cũng chú trọng xây dựng thương hiệu gạo cho người tiêu dùng trong nước. Cuối năm 2010, sau khi lập đề án và đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm chọn giống lúa, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) triển khai chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo khép kín qua liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu tập trung.
 
Công ty cung ứng giống và các loại vật tư, đưa đội ngũ kỹ sư đến hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tổ chức mua lúa tươi tại ruộng vận chuyển về nhà máy để chế biến gạo thành phẩm theo quy trình khép kín.
 
Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc ngành lương thực của AGPPS, cho biết tại mỗi vùng nguyên liệu, trên một cánh đồng chỉ trồng một giống lúa chất lượng cao như Jasmine 85 hay thuộc nhóm giống OM, đồng thời cho xây dựng cụm chế biến gồm hệ thống sấy, xay xát, lau bóng, kho trữ... hoàn chỉnh với công nghệ mới tiên tiến. Đến nay diện tích các vùng nguyên liệu đã lên tới 75.000ha ở An Giang, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu.
 
Với việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, quy trình canh tác đến bảo quản, chế biến nên gạo của AGPPS có chất lượng luôn đồng nhất ổn định, đã xuất khẩu vào nhiều nước, đặc biệt vào được thị trường Nhật Bản, vốn rất khó tính, với giá cao.
 
Ngoài ra, công ty đưa các dòng sản phẩm mang nhãn hiệu Hạt Ngọc Trời, gạo Vĩnh Bình và gạo dinh dưỡng Vibigaba ra thị trường nội địa được người tiêu dùng đánh giá cao, ưa chuộng.
 
Trước đó, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), một đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu, cũng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung hơn 30.000ha qua liên kết sản xuất với nông dân.
 
Ông Nguyễn Văn Tiến, tổng giám đốc Angimex, cho biết bên cạnh xuất khẩu mỗi năm 300.000 tấn gạo, công ty đã phát triển được hệ thống phân phối ở nhiều tỉnh thành, đưa sản phẩm vào các siêu thị, chợ dân sinh mỗi năm bán được trên 100.000 tấn các dòng sản phẩm gạo đặc sản Nàng Nhen, gạo thơm Jasmine, gạo trắng, gạo tấm mang nhãn hiệu Mục Đồng.
 
Mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp theo cánh đồng mẫu lớn được xem là hiệu quả, nhưng hiện nay việc phát triển liên kết sản xuất đang bị chựng lại, diện tích khó có thể nhân rộng. Tại An Giang với diện tích trồng lúa mỗi vụ 240.000ha nhưng theo Sở NN&PTNT, tỉnh này hiện mới có 40.000ha tham gia mô hình.
 
Còn tại Đồng Tháp, hiện có 18 doanh nghiệp liên kết sản xuất cùng nông dân với vùng nguyên liệu 90.000ha. Theo các doanh nghiệp, sở dĩ mô hình này khó có thể phát triển thêm bởi họ gặp những khó khăn trong tổ chức sản xuất, năng lực, vốn đầu tư còn hạn chế.
 
 

 Hợp tác với Hà Lan sản xuất gạo “sạch”

 
Theo ông Phạm Văn Bên, một doanh nghiệp Hà Lan đã đến nghiên cứu quy trình sản xuất gạo cao cấp Nosavina và đặt vấn đề liên kết với DNTN Cỏ May sản xuất gạo “sạch” cho thị trường nước này.
 
Theo đó, doanh nghiệp phải có các cánh đồng mẫu lớn và giao cho chuyên gia Hà Lan xử lý đất trong một năm rưỡi trước khi gieo sạ.
 
Quy trình sản xuất lúa gạo “sạch” tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo