Đức mở cửa chào đón hàng trăm người nhập cư
Sau khi Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đồng ý cho phép nhiều người tị nạn nhập cư vào Đức hơn, các chuyến tàu từ Áo và Hungary lần lượt khởi hành đưa những người tị nạn vào Munich.
Khoảng 400 người, bao gồm phụ nữ, trẻ em và đàn ông Syria – những người rời bỏ đất nước để tránh khỏi cuộc nội chiến kéo dài đã được chính quyền Áo và Hungary cho phép lên tàu đến Đức mặc dù họ không hề có bất kỳ giấy tờ tùy thân hay đơn cho phép nhập cư nào cả.
Khalil, 33 tuổi, một người dân tị nạn đến từ Kobani, Syria nói: “Lạy chúa, không ai yêu cầu hộ chiếu hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào cả. Không cảnh sát, không có bất cứ vấn đề gì”. Ông và vợ đem theo đứa con còn nhỏ bị ốm đang đứng trước cửa lên tàu hỏa để đến Đức. Tại các trạm ga xe lửa, cảnh sát Áo cũng được điều động để trợ giúp cho người dân tị nạn lên tàu một cách an toàn.
Khalil cho biết ông đã mua vé tàu tại Budapest để đến Hamburg, miền Bắc nước Đức, nơi ông cảm thấy sẽ tốt hơn so với Balkan và Hungary.
Người dân gọi bà Merkel là “Bà mẹ Merkel vĩ đại” vì bà là vị thủ tướng đã không quay lưng lại với người tị nạn và còn kêu gọi các nhà lãnh đạo EU khác thu nhận thêm nhiều người nhập cư.
“Nếu chúng ta không thành công trong việc giúp đỡ người nhập cư thì đây sẽ là vấn đề lớn về nhân đạo và nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra cho các nhà lãnh đạo trong hội nghị lớn của Liên hợp quốc”, bà Angela Merkel phát biểu trong cuộc họp báo tại Berlin. “Chúng ta đang đứng trước một thách thức quốc gia rất lớn. Thách thức này không chỉ kéo dài vài ngày hoặc vài tháng mà là một thời gian dài”.
Sau các chuyến tàu đầu tiên đến Đức, lực lượng cảnh sát đã được triển khai tại các trạm xe lửa, giúp đỡ những người tị nạn đến đăng ký nơi ở mới.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo EU như Anh vẫn còn băn khoăn về tình trạng người nhập cư quá nhiều. Thủ tướng Anh David Cameron hiện vẫn chưa đưa ra quyết định cho vấn đề này, nước Anh sẽ ra thông báo mới sau cuộc họp cấp cao với các nhà lãnh đạo khác vào ngày 14/9, tuy nhiên nhiều người dự đoán rằng Anh sẽ đưa ra một mức giới hạn nào đó đối với người nhập cư.
Nhiều người dân Áo rất hoan nghênh quyết định của thủ tướng Đức. Có khoảng 20.000 người đã xuống đường biểu tình và chào đón những người tị nạn. Họ cũng kêu gọi chính phủ Áo nên đưa ra quyết định sớm cho vấn đề để giúp đỡ những người tị nạn, nhất là sau khi vụ việc 71 người chết trong thùng xe tải vừa xảy ra tại biên giới nước này.
“Những người này cần giúp đỡ, họ đến từ vùng đất chiến tranh khủng khiếp để né tránh thảm họa đó, chúng ta cần phải suy nghĩ về việc giúp đỡ và cho họ một cơ hội”, Ottwin Schober, một người về hưu tại thành phố Viên cho biết.
Chính phủ Áo cũng đã phủ nhận việc đàn áp hay gia tăng kiểm soát đường biên giới phía đông để cấm người tị nạn vượt biên. “Việc thắt chặt an ninh biên giới không phải nhằm mục đích bắt giữ những người tị nạn mà để đảm bảo an toàn cho họ”, quan chức Áo cho biết.
Hiện tại vẫn còn nhiều chuyến tàu với hơn 500 người tị nạn đang trên đường tới phía bắc nước Đức. Trong đó chủ yếu là những người tị nạn từ Syria. Bây giờ họ đã có thể mỉm cười nhẹ nhõm để không phải lo về nơi lánh nạn.
Kỹ sư 18 tuổi người Syria, Mohammad al-Azaawi cho biết, anh đã bỏ lại bằng đại học của mình ở Syria và rời khỏi đất nước sau một vụ nổ bom. Anh trai của Azaawi nói rằng họ đã phải trả 3000 Ơ-rô để làm thủ tục nhập cảnh tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Macedonia, Serbia, Hungary và Áo để có được giấy nhập cư hợp pháp. Họ đã phải bán toàn bộ nhà cửa, đất đai để đến đây. “Chúng tôi đã thoát chết ở Syria. Chúng tôi muốn ở lại đây để có tương lai tốt đẹp hơn”.
Thủ tướng Đức cũng kêu gọi các nước châu Âu khác như Anh, Ireland, Đan Mạch cần phải chia sẻ trách nhiệm, tiếp nhận thêm nhiều người tị nạn: “Chúng ta không thể trốn tránh, đây là vấn đề thuộc về tính nhân đạo. Hãy hành động cùng nhau, chia sẻ trách nhiệm chung”.
Bộ trưởng Pháp Manuel Valls cũng đã khẳng định với giới truyền thông rằng, Pháp đã cho xây dựng một trại nhân đạo chứa được khoảng 1.500 người tị nạn, trại này sẽ sớm mở cửa vào đầu năm mới.
Pháp và Đức được cho là hai nước tiếp nhận nhiều người tị nạn nhập cư nhất, trong khi đó lãnh đạo hai nước cũng chỉ trích nhiều nước châu Âu khác đã không cùng chia sẻ trách nhiệm để đối phó với khủng hoảng nhập cư. “Nhiều nước đã từ chối tiếp nhận người tị nạn, điều này hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần cộng đồng chung châu Âu và chúng tôi không thể chấp nhận được hành động này”, Bộ trưởng Pháp Valls cho biết.
Hiện nhiều người cũng đang mong chờ hội nghị lớn của EU vào ngày 14/9 này để đón chờ kết quả và quyết định của các nhà lãnh đạo châu Âu đối với vấn đề nhập cư tại khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo