Dùng dằng hay dám chịu đau một lần?
Gia hạn phân loại nợ, còn nợ xấu thì sao?
Theo quy định của Thông tư 02 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng các khoản tiền này, các nhà băng sẽ phải chia nợ xấu theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm thông tin Tín dụng (CIC). Thế nhưng theo quy định tại Thông tư 09 vừa được NHNN ban hành ngày 18/3 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02, thì các NH được phép lùi lại thời gian phân lợi nợ theo CIC thêm 6 tháng, tới đầu năm 2015. Thông tin này khiến nhiều ông chủ NH thở phào, nhẹ nhõm khi trút được một phần gánh nặng trong kinh doanh.
Phó Chủ tịch NHTM Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, giãn thời gian áp dụng Thông tư 02 về phân loại nợ theo chuẩn mới chính là giúp doanh nghiệp (DN) khỏi sự đổ bể mới, cứu nền kinh tế.
Lập luận được ông Hưởng đưa ra, là nếu một DN có khoản vay tại NH, đến hạn phải trả lãi nhưng nếu DN không trả được thì NH sẽ mặc định chuyển thành nợ quá hạn. Nhưng nếu áp dụng Thông tư 02 ngay thì dù DN trả được phần lãi cũng bị quy thành nợ quá hạn. Khoản nợ đáng lý chưa xấu sẽ thành rất xấu.
“Nếu áp dụng Thông tư 02 ngay đồng nghĩa sẽ tiếp tục trói DN lại và làm phát sinh nợ xấu ồ ạt. Do đó, việc lùi thời gian áp dụng Thông tư 02 tới đầu năm 2015 là chủ trương phù hợp của NHNN trong bối cảnh cần cứu DN”- ông Hưởng nói.
Ngay bản thân chính những người trong giới NH, cũng có người ủng hộ quan điểm không nên kéo dài thêm thời gian phân loại nợ. Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn của một NHTM top 12 tỏ ra lo lắng tới chuyện nợ xấu sẽ bị “ém” lại quá lâu, và tới khi “bung” ra sẽ càng khó xử lý hơn trước. Hoãn việc thực hiện Thông tư 02 hệ thống NH sẽ không hẳn giảm bớt được gánh nặng nợ xấu. Các nhà băng đã có 3 năm vừa rồi để tái cơ cấu lại, tăng trưởng tín dụng đã thắt chặt hơn trước, thanh khoản tốt lên… Các NH hầu hết đã “dọn dẹp” sạch sẽ lại ngôi nhà của mình.
“Nợ xấu thì vẫn là nợ xấu dù để hiện tại hay đẩy vào tương lai. Thà đau một lần, tái cấu trúc hết, loại bỏ hết nợ xấu để biết mình đang ở vị trí nào thì tốt hơn rất nhiều. Phải có sự trả giá, đào thảo theo đúng quy luật thị trường mới là cứu DN, cứu nền kinh tế, còn nhân nhượng mãi chỉ làm “đứa con thêm hư”- ông thẳng thắn.
Ở góc nhìn khác, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoản Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, khi NH chưa phân loại nợ theo CIC, nghĩa là tỷ lệ nợ xấu chưa được bộc lộ hết, lợi nhuận các NH cũng chưa bị ảnh hưởng tiêu cực ngay bởi việc phải trích lập DPRR đầy đủ. Nhưng ở chiều ngược lại, vấn đề nợ xấu một lần nữa được nhân nhượng. “Chừng nào nợ xấu chưa được nhìn nhận một cách rõ ràng, chuyện xử lý nợ xấu sẽ còn gặp nhiều khó khăn và hệ thống NH sẽ còn mất thêm nhiều thời gian hơn nữa để nâng cao năng lực tài chính và tính minh bạch”- bản báo cáo của BVSC nhận xét.
Trong khi đó, VAMC chỉ có tác dụng “trì hoãn” các khoản nợ xấu cho đến khi nền kinh tế khả quan trở lại hơn là tác động thực sự đến thực trạng hoạt động NH. Hoạt động của VAMC phụ thuộc rất lớn vào việc xác định chính xác và đầy đủ con số nợ xấu, từ đó đưa ra kế hoạch và lộ trình mua lại các khoản nợ xấu từ TCTD và có phương án phát hành trái phiếu đặc biệt. Khi các NH được trì hoãn việc cơ cấu nợ, giấu nợ xấu lâu hơn thì sức ép bán nợ cho VAMC cũng giảm.
Lùi áp dụng Thông tư 02 là “ân huệ” cho NH?
Dù được giới NH đón nhận và ủng hộ, song không ít băn khoăn từ giới phân tích nhìn nhận, việc NHNN hoãn áp dụng phân loại nợ theo chuẩn mới tới đầu năm 2015 có lợi nhiều hơn cho NH, thay vì DN?
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính NH bày tỏ, ông không ủng hộ và cho rằng việc hoãn thời gian áp dụng Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa sẽ giúp NH tốt lên, DN bớt gánh nặng trả nợ. Các NH dĩ nhiên đang trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) trong khả năng của mình, nhưng trích lập bao nhiêu thì dựa vào tỷ lệ nợ xấu của từng nhà băng. Một khi số lượng, tỷ lệ nợ xấu là con số “ảo” thì việc trích lập DPRR cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, tương đối, vì thế xác định tỷ lệ nợ xấu một cách chính xác chính là NH “soi” sức khỏe của mình.
“Tôi không cho rằng hệ thống NH đang trích lập DPRR đủ cho các khoản nợ xấu, nên một khi áp dụng ngay Thông tư 02, chỉ tiêu trích lập DPRR sẽ bị “đội” lên. Trong lúc NH phải tiết giảm chi phí vì khó khăn, lợi nhuận giảm mà phải tăng trích lập DPRR thì chẳng anh nào muốn, nên lùi thực hiện Thông tư 02 đúng là ân huệ cho ngành NH”- TS. Hiếu nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc đưa ra một tờ giấy khám sức khỏe với kết quả chuẩn mới giúp bác sĩ kê đơn thuốc chuẩn xác. Còn việc lùi lại chỉ là hoãn binh thôi. Một khi trích lập DPRR, phân loại nợ cho chính xác, thì NHNN và các NHTM mới có phương án xử lý nợ xấu chuẩn xác được. Còn hơn chúng ta nhắm mắt đi trên một con đường mà không biết sắp rơi vào hố”.
Bản phân tích của BVSC cũng đưa ra lập luận, về dài hạn việc lùi thời gian phân loại nợ sẽ làm chậm tiến trình tái cơ cấu hệ thống NH. Những điều chỉnh lùi phân loại nợ theo chuẩn mới của Thông tư 09 sẽ đẩy lùi tiến độ của quá trình tái cơ cấu các TCTD, cũng như việc tiếp cận với những chuẩn mực của Basel II và Basel III mà NHNN đang theo đuổi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)