Đừng để lòng tin của dân bị thách thức
Như vậy trong vòng chưa tròn một năm đã có hai cáo buộc quan chức Việt Nam nhận “bôi trơn, hối lộ” từ các nhà đầu tư, công ty kinh doanh nước ngoài - trước sự vụ này là vụ quan chức ngành đường sắt nhận tiền “hoa hồng” của công ty Nhật, từng làm rúng động dư luận trong nước.
Mỗi lần bị báo chí nước ngoài đưa ra công luận những sự việc trên là một lần uy tín, thể diện quốc gia về môi trường đầu tư, kinh doanh bị sứt mẻ. Sở dĩ công ty nước ngoài "lại quả, bôi trơn", như lời ông giám đốc Chi nhánh VN của Bio-Rad cho hay vì nếu không thì họ sẽ mất thị phần béo bở mấy chục triệu đô. Không "bôi trơn", họ không thể kinh doanh ở Việt Nam.
Chúng ta nỗ lực cải cách kinh tế, cải cách hành chính, đổi mới chính sách kêu gọi đầu tư, kinh doanh... Nhưng mọi cố gắng sẽ bị kéo trì, nếu tiếp tục để nạn “hối lộ, bôi trơn” làm giảm sút hiệu quả có được từ sự nỗ lực của cả hệ thống.
Việc giám sát để không xảy ra "chung chi, lại quả" trong đầu tư, đấu thầu, mua sắm thiết bị giữa công ty nước ngoài và quan chức bộ, ngành, lĩnh vực liên quan đã được thực hiện ra sao? Thực tế là trong các vụ trên, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và bộ, ngành chủ quản dường như chưa phát hiện được tiêu cực ngay trong chính cán bộ của mình cho đến khi báo chí nước ngoài đăng tải.
Hiệu quả trong việc loại bỏ tham nhũng cấp ngành nằm ở công tác giám sát, thanh tra và xử lý cán bộ, quan chức của chính bộ, ngành đó. Đã đến lúc việc quy trách nhiệm cho chính bộ, ngành quản lý lĩnh vực đó không thể chung chung mà phải cụ thể hơn nữa. Nhất là phải cột được trách nhiệm của tư lệnh ngành nếu để nạn “chung chi”, “bôi trơn”, “hối lộ” xảy ra trong lĩnh vực của mình.
Càng để xảy ra những vụ đáng xấu hổ như vụ ở ngành đường sắt, vụ Bio-Rad thì thể diện quốc gia, lòng tin của nhân dân càng bị thách thức nghiêm trọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo