Đừng là chuyện hội trường hoa tươi, băng rôn khẩu hiệu
Cử tri muốn được gặp gỡ đại biểu của mình nhiều hơn. Muốn không phải phản ánh quá nhiều lần về một vấn đề và sau đó “không muốn nói nữa” vì không được giải quyết. Và, nói ra có vẻ vô lý, “muốn được đại biểu thân thiện hơn với mình”.
Đây là những mong muốn được nói thành lời trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” vừa diễn ra tại TPHCM. Nói đây là gửi gắm cũng đúng, bảo là nguyện vọng, hay thậm chí là ước mơ cũng chẳng có gì là quá to tát. Nó có vẻ gì đó giông giống với việc nhân dân nói chung mong muốn cán bộ đừng quá xa cách, lạnh lùng. Cán bộ nào mà chẳng phải là con em của dân!
Nhớ chỉ tháng trước, câu chuyện cô cán bộ hất hàm mà rằng: “Cô là dân mà sao dám hỏi” đã gây sốc trong dư luận. Sốc không phải vì đó là câu chuyện gì quá ư kỳ lạ. Sốc chỉ vì có người đã thẳng toẹt nói ra điều họ nghĩ trong một câu nói chứa đựng khoảng cách vời vợi trong mối quan hệ nhân dân và… con em nhân dân.
Cho dù câu nói có thể là hy hữu, nhưng chắc chắc đó không phải là cá biệt. Sự phổ biến của tâm lý “cô là dân” có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong những bộ mặt lạnh hơn đá. Có thể nghe thấy qua những lời lẽ đau lòng. Có thể cảm nhận được hằng ngày qua sự gắt gỏng hay lạnh lùng.
Và nó không cá biệt đến mức người dân đang nhìn bằng ánh mắt hoài nghi ngay cả với những điều tốt đẹp.
Hôm trước, là chuyện hoài nghi “làm màu làm mè” với một chủ tịch phường, cũng ở TPHCM khi ông gửi thư chúc mừng, hoặc chia buồn với người dân. Còn hôm nay, là động thái một sở chuyên ngành ở Đà Nẵng ra công văn triện dấu đỏ, chia các trưởng, phó phòng ban xuống các quận huyện để nâng cao hiệu quả xử lý công việc, và tiếp nhận phản ánh của người dân về nạn nhũng nhiễu.
Lá thư của chủ tịch phường- một trong những biểu hiện của mô hình hành chính gần gũi, thân thiện là rất cần thiết. Nhưng điều đó không cần thiết bằng việc xóa bỏ tâm lý “cô là dân mà sao dám hỏi”.
Công văn yêu cầu cán bộ xuống địa bàn - tất nhiên điều đó sẽ giúp cán bộ, giúp chính quyền hiểu những gì dân mong muốn. Nhưng điều đó phải trở thành trách nhiệm của công chức trong nền hành chính chứ không nên là chuyện phong trào, không chỉ là chuyện thời điểm.
Lắng nghe dân là vấn đề sống còn - một quan chức của HĐND TPHCM đã nói như vậy- trong chính buổi họ lắng nghe dân.
Thì cũng xin việc lắng nghe không chỉ là xuân thu nhị kỳ hội trường hoa tươi, băng rôn khẩu hiệu.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo